Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TP BIÊN HÒA

1.                 Thực trạng phát triển đô thị Biên Hòa:

Biên Hòa là một trong các trung tâm công nghiệp quan trọng trên cả nước, là đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai và đã được công nhận là đô thị loại I từ năm 2016 với quy mô dân số và mật độ dân cư thuộc nhóm cao nhất cả nước.

Trong nhiều năm trở lại đây, thành phố Biên Hòa luôn được đánh giá như cửa ngõ cho vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Các chính sách phát triển khu vực được phê duyệt đều ưu tiên, chú trọng vào nâng cấp hạ tầng, giao thông đô thị tại thành phố Biên Hòa. Nhiều công trình, dự án trọng điểm cũng đã được triển khai thực hiện như các dự án chống ngập tại các điểm ngập trên địa bàn thành phố, các dự án hạ tầng giao thông như: hương lộ 2, cầu Vàm Cái Sứt, đường và công viên ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu). Đồng thời, các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị lớn cũng đang được triển khai thực hiện như: dự án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ; quy hoạch phát triển cù lao Hiệp Hòa. Một số dự án giao thông trọng điểm của thành phố Biên Hòa có thể kể đến như: Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyến đường sắt Metro Bến Thành - Suối Tiên, Trục trung tâm thành phố mang tên Nguyễn Hữu Cảnh, Hệ thống cầu đường bộ Cù lao Phố,...

Chương trình phát triển đô thị thành phố Biên Hòa, giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh về phê duyệt tại Quyết định số 3003/QĐ-UBND ngày 20/9/2016, đến nay sau 6 năm thực hiện đã đạt được một số mục tiêu cơ bản. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị thành phố Biên Hòa vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần quan tâm giải quyết, như:

- Đô thị Biên Hòa chưa đạt một số tiêu chí đô thị loại I (về diện tích sàn nhà ở bình quân, đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị, mật độ đường giao thông chính, tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị trên tổng số trục phố chính, mật độ đường cống thoát nước chính, nhà tang lễ, cây xanh…).

- Bên cạnh đó thành phố Biên Hòa cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển đô thị do tốc độ đô thị hóa, tăng dân số cơ học diễn ra nhanh như: tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiếu hụt quỹ nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho người thu nhập thấp và công nhân lao động, cũng như áp lực đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, xây dựng,...

- Vẫn còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng xảy ra tại một số địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất nông nghiệp còn trống nhiều như tại các phường: Trảng Dài, Long Bình, Tân Phong, Hóa An, Phước Tân, An Hòa và Tam Phước.

- Với quy mô dân số đông, mật độ dân số cao, việc giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị cũng là “bài toán” khó đối với đô thị Biên Hòa. Không những vậy, các dự án chỉnh trang, cải tạo đô thị trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

- Theo chương trình phát triển đô thị thành phố Biên Hòa được UBND tỉnh về phê duyệt tại Quyết định số 3003/QĐ-UBND ngày 20/9/2016, nhu cầu về nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị biên hòa là rất lớn (khoảng 36.224 tỷ), tuy nhiên với các cơ chế, chính sách như hiện nay chưa đủ thông thoáng và hấp dẫn để khuyến khích, thu hút nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp và nhân dân trong đầu tư các dự án khung, đặc biệt là các dự án giao thông, cấp thoát nước, xử lý rác thải, nghĩa trang,…nhằm giảm tải gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước.

2. Đề xuất định hướng:

- Việc phát triển đô thị Biên Hòa trong thời gian tới cần ưu tiên tập trung cho các khu vực ngoại ô, vùng ven. Khu vực trung tâm cần hạn chế tập trung thêm dân cư, hạn chế xây dựng các khu dân cư cao tầng, từ đó giảm tải cho khu vực đô thị trung tâm. Ưu tiên các dự án chỉnh trang, cải tạo đô thị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thi, từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo các tiêu chí của một đô thị xanh, đô thị thông minh.

- Đối với các quy đất công hiện có, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch để bố trí các công trình đầu mối, công trình hạ tầng, dịch vụ công cộng mà đô thị Biên Hòa còn thiếu tiêu chí để đạt đô thị loại I (bãi đậu xe, cây xanh, khu thiết chế văn hóa,…).

- Ưu tiên tập trung nguồn lực cho các dự án khung trong chương trình phát triển của thành phố Biên Hòa, đặc biệt là các dự án giao thông, cấp thoát nước để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ tại nhiều vị trí trên địa bàn thành phố hiện đang là vấn đề quan tâm, gây bức xúc của người dân đô thị.

- Chủ động xây dựng, công bố các chủ trương khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp và người dân chung tay đầu tư các dự án cải tạo và phát triển đô thị (hệ thống đường giao thông, công viên cây xanh - thể dục thể thao, công trình công cộng - hạ tầng thiết yếu của xã hội) mà trước đây phụ thuộc rất lớn vào nguốn vốn Ngân sách. Đối với các dự án này cần xem xét kết hợp hài hòa hai mục tiêu phục vụ cộng đồnglợi nhuận của doanh nghiệp để thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia với nhà nước, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn Ngân sách. Quy mô chi tiết của của dự án (diện tích, cơ cấu - chức năng sử dụng đất, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao...) của các dự án này cần được nghiên cứu, đảm bảo tính khả thi về hiệu quả kinh tế đối với các chủ đầu tư và đảm bảo mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng thông qua việc phù hợp quy hoạch chung của toàn khu đô thị./.

                                                    Tác giả: Trần Tư Duy​

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​