Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
NHƠN TRẠCH SAU GẦN 30 NĂM XÂY DỰNG

tt nhon trach_600_06042023160752.jpg

Trung tâm huyện Nhơn Trạch

Sau gần 30 năm chuyển mình, Nhơn Trạch đã thay đổi diện mạo so với xuất phát điểm với nhiều thắng lợi, nhưng hình hài của một thành phố mới, từng được kỳ vọng vẫn chưa thành hình, Sự phát triển của Nhơn Trạch vẫn không dạt mục tiêu đề ra do nhiều yếu tố, nhưng có thể nói một số thắng lợi đạt được nhưng đó cũng là thách thức, là nguyên nhân rào cản Nhơn Trạch không thể đạt tiêu chí đô thị loại II, đó là:

1. Những thắng lợi đạt được nhưng cũng là bài toán thách thức và rào cản

- Thứ nhất: Nhơn Trạch là địa phương có tốc độ phát triển các khu công nghiệp (KCN) thuộc tốp đầu so với các địa phương khác trong tỉnh, và là huyện đóng gớp nhiếu ngân sách nhất trên cả nước.

Nếu khi mới thành lập, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch chưa có một khu công nghiệp nào thì đến nay huyện là vùng công nghiệp đô thị phát triển năng động nhất với 10 khu công nghiệp, trong đó có 09 khu công nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động, tổng diện tích khoảng 3.342 ha (chiếm 32% diện tích KCN toàn tỉnh và là địa phương có diện tích đất KCN cho thuê nhiều nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay) gồm:

(1) KCN Nhơn Trạch I                         - 499 ha

(2) KCN Nhơn Trạch II                       - 69 ha

(3) KCN Nhơn Trạch II – Lộc Khang    - 69 ha

(4) KCN Nhơn Trạch II – Nhơn Phú     - 183 ha

(5) KCN Nhơn Trạch III                      - 177 ha

(6) KCN Nhơn Trạch VI                      - 314 ha

(7) KCN Nhơn Trạch V                       - 298 ha

(8) KCN Dệt May Nhơn Trạch             - 529 ha

(9) KCN Ông Kèo                               - 823 ha

Dự kiến thêm 01 KCN- Phước An quy mô 300 ha hiện đang thực hiện thủ tục đầu tư.

khu cn_600_06042023160457.jpg                    

Hình ảnh: một Khu công nghiệp huyện Nhơn Trạch

Các KCN này thu hút 590 dự án (chiếm 28,8% số dự án các KCN tỉnh), trong đó có 421 dự án FDI với tổng vốn 10,68 tỷ USD; 137 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 23.355,91 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), dự án có vốn đầu tư trong nước (TN) là 169 dự án, số vốn 8.945 tỷ đồng; Giải quyết việc làm cho 119.800 lao động trong và ngoài địa phương (chiếm 20,7 % tổng số lao động tại các KCN). Diện tích đất công nghiệp dành cho thuê 2.346ha (chiếm 33% diện tích đất công nghiệp cho thuê toàn tỉnh), trong đó, diện tích đã cho thuê là 2.073ha (đạt 88,37%). Tỷ lệ lấp đầy các KCN huyện Nhơn Trạch cao hơn so với mức bình quân của toàn tỉnh (85%). Huyện chú trọng chuyển sang thu hút đầu tư các dự án có quy mô vốn lớn, công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ; giảm dần các ngành gia công, sử dụng nhiều lao động.

Riêng cụm công nghiệp Phú Thạnh - Vĩnh Thanh đã có 21/32 dự án đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3.800 lao động; 02 dự án đang xây dựng và 09 dự án đang lập thủ tục đầu tư.

Thu ngân sách trên địa bàn huyện những năm qua nhìn chung đều thực hiện đạt vượt chỉ tiêu được giao. Tổng thu ngân sách tăng từ 31,19 tỷ đồng năm 2000 lên 1.185 tỷ đồng năm 2022, đứng thứ 5/11 địa phương (sau các địa phương Biên Hòa 3.705 tỷ đồng, Long Thành 2.392 tỷ đồng, Thống Nhất 1.642 tỷ đồng, Trảng Bom 1.247 tỷ đồng). Đóng góp ngân sách của các Doanh nghiệp FDI trong KCN năm 2022 đạt khoảng 378 triệu USD.

Nhưng mặt trái của kết quả này chính là vấn đề xã hội, áp lực công nhân ngoại tỉnh nhập cư nhiều, nhưng địa phương và các chủ đầu tư KCN chưa đáp ứng giải quyết được nhu cầu ở, dịch vụ tiện tích thiết yếu nhất của công nhân, người lao động dẫn đến đời sống không ổn định khi gặp rủi ro, vấn đề về đình công, lãn công, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự phát sinh, thể hiện rõ nhất sự bất ổn định này chính là qua đợt dịch covid vừa qua chúng ta thấy rõ khả năng chống chịu về kinh tế khi mất việc làm, tạm nghỉ, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, hoặc giảm thu nhập của người lao động thể hiện bức tranh sáng - tối phản ảnh thực tại.

Thứ hai, Thành phố mới Nhơn Trạch được quy hoạch bài bản, là nơi trở thành cuộc đua của các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư mới, đầu tư triển khai rất nhiều dự án như Làng Đại học, các khu dân cư, khu đô thị khang trang, quy mô, hiện đại do thiếu giao thông hạ tầng liên kết vùng như cầu Cát Lái, cầu Phước Khánh, cầu Nhơn Trạch, kết nối hạ tầng, thiếu hạ tầng xã hội, dịch vụ thương mại, thiếu các dịch vụ tiện ích, các công trình xã hội chưa được đầu tư đồng bộ là một trong những nguyên nhân không thể thu hút được người dân đến sinh sống như kỳ vọng.

Trong quy hoạch tổng thể, thành phố mới Nhơn Trạch có hàng trăm dự án thành phần với nhiều lợi thế, rất nhiều dự án phát triển đô thị như đã quy hoạch làng đại học trên địa bàn xã Long Tân và Phước Thiền với quy mô khoảng 300 ha, thu hút các đơn vị đầu tư như Đại học khu đô thị Đông Sài Gòn, cơ sở 2 Trường đại học Kinh tế Tp. HCM, Trường đại học Văn hóa Tp. HCM, Trường đại học Kinh tế - Tài chính Tp. HCM, Trường Đại học Giao thông Vận tải Tp. HCM, trường trung cấp kỹ thuật công nghiệp với nhiều ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ công nhân lành nghề phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương, tuy nhiên đến nay do thiếu giao thông hạ tầng đấu nối mà nhiều nhà đầu tư quan ngại không thể triển khai dự án mặc dù đã được giới thiệu địa điểm.

Khu đô thị Swan Bay với diện tích hàng trăm hécta, có đường sá tiện ích dịch vụ khang trang, nhưng rất ít dân cư sinh sống. Dư án HUD - Thành Hưng là một trong những dự án lớn có diện tích 223 ha không có người ở, hay như dự án Khu dân cư Phước An, cách trung tâm TP mới Nhơn Trạch chừng 2km nhưng hoang vắng và còn rất nhiều dự án tương tự khiến đô thị không có sức sống.

Thứ ba, là nơi tập trung nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn mang tính liên kế vùng nhưng nhưng được bơm thổi quá lớn với sức hấp dẫn từ việc quy hoạch - xây dựng TP mới Nhơn Trạch hiện đại, văn minh, từ đó đến nay, đã tạo nên 4 - 5 làn sóng tăng giá Bất động sản, nhất là khi có thông tin xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật quy mô kết nối vùng như động thái phương án xây cầu thay phà Cát Lái, sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3 để tạo đột phá kết nối giữa khu Đông TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam Bộ dẫn đến giá đất tăng cao, các văn phòng môi giới bất động sản, văn phòng công chứng nở rộ khiến thị trường bất động sản Nhơn Trạch sốt ảo trong giới đầu cơ ảnh hưởng đến thị trường đầu tư lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động lao động sản xuất, nông nghiệp, đất để trống hoang hóa không canh tác cùng các dịch vụ khác cũng ảnh hưởng theo làn sóng này.

Thực tế là đến nay thì hệ thống hạ tầng giao thông kết nối chính cho Nhơn Trạch vẫn chỉ là Tỉnh lộ 25B và phà Cát Lái (Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã có nhưng chưa kết nối trực tiếp cho Nhơn Trạch; Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang thi công xây dựng; Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thực hiện; đường Vành Đai 3 kết nối Tp. Hồ Chí Minh với Nhơn Trạch chưa khởi động,…). Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung (giao thông, cấp thoát nước,…) và hệ thống hạ tầng xã hội (chợ, trường học, các thiết chế văn hóa,…) chưa đầy đủ, chưa đảm bảo kết nối khai thác đồng bộ, chưa có sự thuận lợi và tính hấp dẫn cần thiết cho việc định cư lâu dài; trong quy hoạch phát triển khu dân cư, khu đô thị chưa ước tính chính xác số lượng dân cư và nguồn dân cư.

2. Những kết quả khả quan khác

- Về Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực: Kể từ khi thành lập huyện (năm 1994) kinh tế Nhơn Trạch tăng trưởng với tốc độ khá nhanh và thời kỳ sau tăng cao hơn thời kỳ trước.  Đạt được thành quả trên là nhờ công nghiệp luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao ở mức 26,1% thời kỳ 2001-2005, và ổn định trong giai đoạn 2011-2020 tăng khoảng 18,47%; bên cạnh đó ngành dịch vụ tăng khá trong thời kỳ 2001-2005 khoảng 14%, tăng nhanh trong thời kỳ 2006-2010 khoảng 17,2% và đạt tốc độ tăng trưởng cao giai đoạn 2015-2020 vào khoảng 25%. Huy động và giải ngân vốn đầu tư đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung trên địa bàn. Vốn ngân sách tỉnh năm 2022 giải ngân đạt trên 98% kế hoạch; Vốn ngân sách huyện  năm 2022 giải ngân đạt trên 98% kế hoạch.

- Cơ cấu kinh tế: Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch từ công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ năm 2000 thành Công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp năm 2005 và giữ cơ cấu này đến năm 2022 nhưng tỷ trọng ngành dịch vụ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế của huyện.

- Về thương mai dịch vụ: tiếp tục có bước phát triển cả về số lượng và đa dạng hóa loại hình hoạt động, tổng số chợ hiện nay đã được đầu tư là 09 chợ trong đó có 02 chợ hạng II (chợ Đại Phước, chợ Long Thọ) và 7 chợ hạng III (như chợ Phước Thiền, chợ Phước Khánh, chợ Sơn Hà, chợ Hòa Bình, chợ Phú Hữu, chợ Phước An và chợ Giồng Ông Đông) bên cạnh đó hiện đang chuẩn bị đầu tư thêm 02 chợ hạng I là chợ Phú Thạnh và chợ Dân Xuân; bổ sung quy hoạch phát triển mới 02 Trung tâm thương mại và 09 siêu thị phục vụ cho toàn địa bàn và các địa phương lân cận, 03 dự án kho và cảng chuyên dùng xăng dầu đi vào hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn có mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 33% đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra; giá trị luân chuyển hàng hoá năm đến thời điểm này đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, tăng gần 35,8 lần so với năm 1995.

- Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tính đến tháng 3/2023 là 2.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bao gồm 1.724 doanh nghiệp trong nước và 376 doanh nghiệp FDI, với tổng vốn đăng ký khoảng 132.855 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 4,43% tổng số DN toàn tỉnh (49.407 doanh nghiệp) và 28,12% quy mô vốn).

Hoạt động du lịch: phát triển cả về quy mô và đa dạng về hình thức, hiện có 08 điểm văn hóa - du lịch sinh thái như khu Làng Tre Việt, Bò Cạp Vàng, tour tham quan rừng ngập mặn, Nhà cổ họ Đào, đình Phú Mỹ ….và một sân golf đang hoạt động với diện tích 95 ha, 04 dự án điểm khu du lịch đang thực hiện thủ tục đầu tư như Khu đô thị du lịch sinh thái DIC cù lao Ông Cồn… hoạt động văn hóa du lịch hàng năm thu hút khoảng hơn 20 vạn lượt khách.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ vai trò quan trọng đối với người nông dân, đặc biệt đối với địa bàn các xã nằm cách xa khu trung tâm hành chính huyện và các xã không có khu công nghiệp mặc dù diện tích đất nông nghiệp đang giảm dần, chuyển dần sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thương mại, dịch vụ. Tính đến năm 2022, giá trị sản xuất nông – lâm – thủy văn vẫn đạt 1.891 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 2-3%.

- Hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 12 xã, đạt 12/12 xã nông thôn mới và năm 2016 huyện Nhơn Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện Nông thôn mới, 10 xã nông thôn mới nâng cao, hiện các xã đang phấn đấu để hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

- Thu hút đầu tư ngoài KCN lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch có 90 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 70 dự án đầu tư trong nước với tổng diện tích đất sử dụng là khoảng 6.783 ha, tổng vốn đăng ký là 23.020 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dự án đầu tư trong nước của toàn tỉnh, phần lớn là các dự án Khu đô thị, nhà ở do huyện Nhơn Trạch có lợi thế về vị trí địa lý và cảnh quan ven sông rất đẹp, thuận lợi cho phát triển đô thị; và 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng diện tích đất sử dụng là khoảng 1.600 ha. Hiện có 20 dự án đã đi vào hoạt động (gồm 08 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 77,69 triệu USD, diện tích đất sử dụng là 88,9 ha và 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.373 tỷ đồng, diện tích sử dụng khoảng 30,73 ha), đa số các dự án này thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bất động sản, còn các dự án FDI đa phần thuộc lĩnh vực phân phối, bán buôn, bán lẻ và thi công xây dựng công trình. Còn lại 69 dự án đang triển khai xây dựng và đang thực hiện thủ tục đất đai (gồm 12 dự án FDI và 57 dự án đầu tư trong nước).

- Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội được đầu tư với nguồn kinh phí trên 1.300 tỷ đồng, đến nay, Một số công trình tiêu biểu có giá trị tổng mức đầu tư lớn đã hoàn thành như: nâng cấp mở rộng đường 769, đường Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đoạn qua huyện Nhơn Trạch, nâng cấp đường 25B, 25C đoạn từ giao với QL51 đến trung tâm huyện; ngoài ra còn có một số dự án đang triển khai: Đường 319B đoạn qua KCN Nhơn Trạch, Dự án Đường kết nối vào cảng Phước An đoạn từ đường 319 đến nút giao cắt với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

- Nếu khi mới thành lập huyện Nhơn Trạch chỉ 5 xã (Phước Thiền, Hiệp Phước, Long Thọ và Phước An) có điện thì đến nay 12/12 xã đều có điện sinh hoạt, Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia là 99,7%. Tổng công suất cấp nước cho sinh hoạt khoảng 33.600 3/ngày.đêm đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân và đảm bảo nước phục vụ cho hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp;

- Lĩnh vực phát triển nhà ở, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 74 dự án khu dân cư có quy định bàn giao quỹ đất nhà ở xã hội, tái định cư và mục đích khác cho huyện sau khi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng; Hiện có 03 dự án nhà ở xã hội đang triển khai trên tổng diện tích 25 ha, quy mô 6042 căn hộ trong đó đã hoàn thành 1900 căn (gồm 02 dự án của Công ty IDICO và 01 dự án của Công ty Đệ Tam).

- Trên lĩnh vực văn hóa- xã hội, đến nay, có 32/44 trường đạt chuẩn quốc gia (không tính 02 trường Mẫu giáo), đạt tỷ lệ 76,2%; Số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là 04 trường, 100% giáo viên được chuẩn văn hóa sư phạm, trong đó gần 50% giáo viên vượt chuẩn. Nếu trước đây chỉ có 01 trường THPT thì nay huyện đã xây dựng, phát triển được 03 trường THPT.

- Mạng lưới y tế được đầu tư, nâng cấp, đã xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện, 12/12 trạm y tế xã được công nhận chuẩn quốc gia về y tế, phát triển được 203 cơ sở y dược tư nhân, trong đó có 30 phòng khám chuyên khoa và 03 phòng khám đa khoa… đã đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng chính sách, người có công được chú trọng thực hiện tốt. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng đều đến nay toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 5.985 lao động, đạt 101,44% so với kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm đáng kể đến nay còn 0,15%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng vào năm 2017 và đến nay đạt  trên 61,03 triệu đồng/người/năm, gấp 1,24 lần so với mức trung bình cả nước.

- Ngoài phát triển công nghiệp, cảng biển là một thế mạnh khác của Nhơn Trạch trong phát triển kinh tế với 11 cầu cảng được xây dựng trên tổng số 21 cầu cảng đã được quy hoạch, tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 DWT và cũng là địa phương có số lượng cầu cảng nhiều và tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất của tỉnh (so với Cụm Cảng Gò Dầu tại Long Thành quy hoạch 13 cầu cảng và chỉ tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT , hay như cụm cảng khu vực Long Bình Tân – Bình Dương chỉ tiếp nhận tàu có trọng tải 5.000 DWT).

2. Những khó khăn, tồn tại còn thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức như chất lượng nguồn nhân lực, tính chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn hạn chế; sức ép về phát triển kết cấu hạ tầng, việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục; tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, như:

- Nhơn Trạch chỉ mới đạt 67,5/100 điểm, dưới mức điểm tối thiểu của các tiêu chuẩn về phân loại đô thị loại III, hiện nay còn 02 tiêu chí lớn chưa đạt, một là mật độ dân số và hai là Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị. Dân số hiện nay hơn 271 nghìn người, chiếm tỷ lệ 8,6% dân số toàn tỉnh nhưng mật độ dân số toàn đô thị chỉ khoảng 725 người/km2 (chỉ đạt ½ tiêu chuẩn tối thiểu đô thị loại III) và mật độ dân số nội thị chỉ khoảng 1.221 người/km2 (chỉ đạt 1/5 tiêu chuẩn tối thiểu đô thị loại III), nhiều chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật như tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch tập trung, tỷ lệ hỏa táng, mật độ đường giao thông, tỷ lệ bác sĩ, tỷ lệ số giường bệnh…việc khắc phục hạn chế này không thể nhờ vào tác động quản lý nhà nước mà phải là các tiện ích, các dịch vụ, hạ tầng xã hội vượt trội mới là động lực cốt lõi thu hút dân cư về sinh sống.

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa được kịp thời và đồng bộ, nhất là về hạ tầng giao thông; thị trường bất động sản không thuận lợi ảnh hưởng chậm tiến độ triển khai các dự án khu đô thị, khu dân cư; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài ra, một số công trình tuy đã được đầu tư và đi vào hoạt động, nhưng chưa phát huy hiệu quả cao do chưa được đấu nối vào hệ thống giao thông đối ngoại của khu vực.

- Việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn huyện đến nay vẫn còn chậm so với tiến độ đề ra, đa số các dự này thuộc lĩnh vực khu dân cư, bến bãi - cầu cảng, dịch vụ - du lịch và giáo dục…; trong số các dự án trên có nhiều dự án có quy mô và tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai chưa đồng bộ, dự báo chưa chính xác.

- Bất cập pháp luật về đất đai- xây dựng – đầu tư- quản lý tài sản công ảnh hưởng đến lập quy hoạch và quá trình thu hồi đất, bồi thường, tái định cư dẫn đến các dự án chậm tiến độ do vướng bồi thường. Đồng thời, việc cân đối, bố trí nguồn vốn để đảm bảo chủ động cho công tác tái định cư còn nhiều khó khăn, một số nhà đầu tư hạn chế về năng lực trong triển khai dự án và năng lực tài chính.

- Trường lớp ở bậc học mầm non, mẫu giáo, tiểu học và THCS cũng như nhu cầu về nhà ở, nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng kịp, do dân số lao động trong các KCN tăng nhanh.

- Hiện nay nhiều bất cập trong triển khai quy hoạch chung đô thị cần cập nhật, điều chỉnh, nhiều chỉ tiêu đã thay đổi so với định hướng của huyện trong việc phát triển thành phố mới Nhơn Trạch và Thủ tường Chính phủ đã chấp thuận cho lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch.

TIn: Trần Tư Duy​

Trần Tư Duy

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​