Báo cáo
“Quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035”
được hoàn thành vào năm 2017 là một tài liệu rất có ý nghĩa, có những phân tích
toàn diện, đầy đủ về thực trạng ngành, dự báo thị trường, công nghệ và đưa ra
một số định hướng chính cho ngành công nghiệp xi măng Việt Nam. Mặc dù Chính
phủ không phê duyệt và ban hành QHXM theo quy định của Luật Quy hoạch nhưng Báo
cáo QHXM 2017 là một tài liệu tham khảo tốt đối với công tác xây dựng chiến
lược, kế hoạch và định hướng phát triển thị trường cho ngành công nghiệp xi
măng Việt Nam.
Tóm tắt
Ngành công nghiệp sản xuất xi măng ở Việt Nam là một
trong số các ngành công nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Trong những năm qua, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng được coi là
một công cụ hoạch định phát triển Ngành. Ngày 18/10/2016 Bộ Xây dựng đã giao
nhiệm vụ cho Viện Vật liệu xây dựng thực hiện lập Quy hoạch phát triển công
nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025, định hướng 2035.
Nội dung chính của “Quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam đến năm 2025
và định hướng đến năm 2035” gồm: đánh giá tiềm năng và các nguồn lực phục vụ
cho sự phát triển Ngành; đánh giá hiện trạng ngành công nghiệp xi măng, đánh
giá tình hình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển theo Quyết định 1488
của Thủ tướng chính phủ; dự báo thị trường xi măng trên thế giới và ở Việt Nam;
xây dựng dự báo nhu cầu xi măng đến năm 2025; xây dựng quan điểm và mục tiêu
phát triển; xây dựng phương án phát triển xi măng đến năm 2025 và định hướng
đến năm 2035; đề xuất giải pháp cơ chế chính sách.
Báo cáo “Quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam đến năm
2025 và định hướng đến năm 2035” theo các nội dung vừa nêu đã được Viện Vật liệu
xây dựng hoàn thành và trình Chính phủ vào đầu năm 2018.
1. Vai trò của
quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam trong những năm qua.
Xi măng có vai
trò rất quan trọng đối với ngành Xây dựng. Có thể nói, cho đến nay, xi măng vẫn
là “bánh mỳ” của ngành Xây dựng. Cách đây 30 năm, ngành công nghiệp xi măng
Việt Nam rất nhỏ bé. Năm 1990, cả nước mới sản xuất được 2,75 triệu tấn xi
măng. Khi đó, do dự báo nhu cầu xây dựng của nước ta sẽ phát triển nhanh chóng
nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi
măng Việt Nam (sau đây gọi tắt là QHXM). Vào những năm cuối của thế kỷ 20, QHXM
có vai trò dự báo thị trường, định hướng đầu tư phát triển, trong đó chủ yếu là
kêu gọi, tạo điều kiện, cơ chế chính sách để đầu tư phát triển các nhà máy sản
xuất xi măng. Tính đến năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt 4 QHXM, gồm: QHXM số
970 năm 1997, QHXM số 164 năm 2002, QHXM số 108 năm 2005 và QHXM số 1488 năm
2011.
Bảng 1. Dự báo một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã
hội đến năm 2025.
TT
|
Chỉ tiêu
|
Đơn vị
|
Năm 2020
|
Năm 2025
|
1
|
Dân số
|
Tr.người
|
97,6
|
99,33
|
2
|
Dân số trong độ tuổi lao động
|
Tr.người
|
63,545
|
65
|
3
|
Tỷ lệ lao động qua đào tạo
|
%
|
65-70
|
80
|
4
|
GDP (giá HH)
|
Tỷ đồng
|
5.807.975
|
5.966.700
|
5
|
Tăng GDP bình quân 5 năm
|
%
|
6,5-7,0
|
6%
|
6
|
GDP/người (giá HH)
|
USD
|
3.200-3.500
|
4.500-5.000
|
7
|
Cơ cấu GDP
|
%
|
100
|
100
|
7.1
|
Công nghiệp – xây dựng
|
%
|
43,8
|
44,6
|
7.2
|
Nông, lâm, ngư nghiệp
|
%
|
16,6
|
10,0
|
7.3
|
Dịch vụ
|
%
|
39,6
|
45,4
|
8
|
Tỷ lệ đô thị hóa
|
%
|
36
|
40
|
9
|
Nhu cầu vốn đầu tư (giá HH)
|
Nghìn tỷ đồng
|
2.626
|
3.500
|
10
|
Vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm so với GDP
|
%
|
32-34
|
45-50
|
Từ năm 1990 đến 2009, nước ta luôn luôn thiếu xi măng,
sản xuất trong nước không đáp ứng nhu cầu xây dựng nên năm nào cũng phải nhập
xi măng và clanker từ nước ngoài. Những năm nhập khẩu xi măng nhiều nhất là các
năm 2004, 2005, 2007 – 2009. Năm 2005 lượng nhập xi măng chiếm 14,60% nhu cầu (nhu cầu 28,83 triệu tấn, sản xuất
trong nước đạt 24,78 triệu tấn). Việc đầu tư phát triển nhanh ngành công nghiệp
xi măng giai đoạn này trở nên rất quan trọng. Do đó, trong QHXM số 108 (phê
duyệt năm 2005) Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, các địa phương tạo điều kiện thuận
lợi để thúc đẩy đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng, ví dụ: “ Giao bộ Tài
nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng lập kế hoạch khảo sát, thăm dò
đánh giá trữ lượng nguyên liệu sản xuất xi măng một cách đầy đủ, kịp thời để
đáp ứng yêu cầu phát triển theo quy hoạch; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy
định nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy phép thăm dò và giấy phép khai thác
mỏ; phối hợp với Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biện pháp chấn
chỉnh và quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên đá vôi đủ chất lượng cho
sản xuất xi măng. Từng bước đưa việc khai thác tài nguyên theo quy hoạch nhằm
sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái phục vụ phát
triển bề vững”.
Có thể nói, giai đoạn 2002 đến 2010 là giai đoạn việc
đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng diễn ra rất sôi động. Vì vậy, năm 2010
chúng ta đã sản xuất được 52 triệu tấn xi măng và đã bắt đầu xuất khẩu được 1,2
triệu tấn. Năng lực sản xuất của các nhà máy vào lúc đó đã đạt trên 60 triệu
tấn xi măng/năm, ngoài ra còn có rất nhiều dự án đăng ký xây dựng mới, ví dụ:
Quy định cuối năm 2015 phải hoàn thành chuyển đổi các nhà máy xi măng lò đứng
sang lò quay, quy định công suất thiết kế của các lò nung clanhke của các dự án
mới đầu tư không nhỏ hơn 2.500 tấn claner/ngày, quy định các dây chuyền sản
xuất xi măng có công suất lò nung từ 2.500 tấn clanker/ngày trợ trở lên phải
lắp đặt hệ thống phát điện sử dụng nhiệt thải lò nung. Các quy định về quản lý
tài nguyên, giảm phát thải ra môi trường và các chỉ tiêu tiêu hao năng lượng
cho sản xuất cũng cao hơn so với trước đây. Ngoài ra, từ năm 2011, Chính phủ
cũng đã ban hành một số văn bản để điều hành tiến độ đầu tư, dãn, hoãn một số dự
án đầu tư. Ngành công nghiệp xi măng đã chuyển từ thiếu sang dư thừa so với nhu
cầu trong nước.
Nhìn lại toàn bộ quá trình xây dựng và triển khai QHXM
thời gian qua thấy rằng, các QHXM có vai trò quan trọng trong việc hoạch định
chủ trương đầu tư, định hướng đầu tư về quy mô, công nghệ và dường như một số
quy hoạch đã được xây dựng và phê duyệt chi tiết như những kế hoạch đầu tư phát
triển.
Quy hoạch xi măng được trình bày trong bài viết này là
bản quy hoạch cuối cùng được xây dựng và đã không được ban hành vì QHXM không
có trong danh mục các quy hoạch được nêu trong Luật quy hoạch số 21/2017/QH14.
2. Nội dung
chính của báo cáo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn
2017-2025, định hướng đến năm 2035.
Báo cáo “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt
Nam giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2035” gồm 4 phần chính là: Tiềm
năng và nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam; hiện trạng
ngành công nghiệp xi măng Việt Nam; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi
măng Việt Nam; một số giải pháp chính và tổ chức thực hiện.
2.1 Tiềm năng và nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp
xi măng Việt Nam.
1.1.1
Điều kiện kinh tế xã hội
Theo số liệu của Viện chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, từ nay đến năm 2025 nền kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục phát triển với tốc
độ khoảng 6-7%/năm. Từ đó, có thể thấy, đầu tư xã hội sẽ tăng, nhu cầu xây dựng
vẫn tăng và nhu cầu về xi măng vẫn tiếp tục tăng. Trong bảng 1 trình bày dự báo
một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.
Dự báo về phát triển kinh tế xã hội là một căn cứ quan
trọng để tính toán nhu cầu xi măng trong giai đoạn quy hoạch.
1.1.2 Nguồn lực về
tài nguyên, khoáng sản.
Nước ta có
nguồn tài nguyên khoáng sản để phát triển ngành công nghiệp sản xuất xi măng
lâu dài, trong đó các khoáng sản chủ yếu bao gồm:
-
Đá vôi xi măng:
Số mỏ và trữ lượng đá vôi đã được thăm dò, khảo sát trên phạm vi toàn quốc như
sau:
+ Tổng số mỏ đã được phát hiện hơn 350 mỏ. Trong đó, số
mỏ đã được khảo sát, tiềm kiếm, thăm dò là 274 mỏ; số mỏ chưa khảo sát là 77 mỏ.
+ Tổng tài nguyên các mỏ đã khảo sát (274 mỏ) là
44.738,53 triệu tấn; trong đó tài nguyên cấp 331 + 332 + 333= 12.557,57 triệu
tấn; tài nguyên cấp 334a = 32.180,96 triệu tấn. Trong số mỏ đã khảo sát, số mỏ
nằm trong khu vực cấm, tạm cấm, hạn chế khai thác là 42 mỏ với tài nguyên
1.669,28 triệu tấn. Như vậy số mỏ có thể đưa vào thăm dò, khai thác cung cấp
nguyên liệu cho sản xuất xi măng là 232 mỏ với tổng tài nguyên là 43.069,25
triệu tấn.
+ Trong số mỏ đã được khảo sát được phân theo cấp trữ
lượng (theo quy định của ngành địa chất) như sau:
§
Mỏ có trữ lượng
lớn (>100 triệu tấn) là 91 mỏ với tài nguyên 39.453, 71 triệu tấn.
§
Mỏ có trữ lượng
trung bình (20-100 triệu tấn) là 92 mỏ với tài nguyên 4.523,52 triệu tấn.
§
Mỏ có trữ lượng
nhỏ (< 20 triệu tấn) là 92 mỏ với tài nguyên 761,3 triệu tấn.
-
Đất sét xi măng:
Số mỏ và trữ lượng đất sét đã được khảo sát như sau:
+ Tổng số mỏ đã được phát hiện trên phạm vi toàn quốc là
260 mỏ. Trong đó, số mỏ đã được tìm kiếm, thăm dò: 218 mỏ; số mỏ chưa thăm dò:
42 mỏ.
+ Tổng trữ lượng và tài nguyên các mỏ đã được tìm kiếm, thăm
dò (218 mỏ) là 7.601,42 triệu tấn; trong đó tài nguyên cấp 331 +332 + 333=
2.906,65 triệu tấn; tài nguyên cấp 334a = 4.694,77 triệu tấn. Trong số mỏ đã
khảo sát, số mỏ nằm trong khu vực cấm, tạm cấm, hạn chế khai thác là 45 mỏ với
tài nguyên 1.483,88 triệu tấn. Như vậy số mỏ có thể đưa vào thăm dò, khai thác
cung cấp nguyên liệu cho sản xuất xi măng là 173 mỏ với tổng tài nguyên là
6117.54 triệu tấn. Đến thời điểm hiện nay, sau 5 năm khai thác đất sét phục vụ
sản xuất xi măng, tổng tài nguyên, nguyên liệu đất sét cho sản xuất xi măng còn
lại là 6.055,54 triệu tấn.
Trong số mỏ đã
được khảo sát phân theo cấp tài nguyên như sau:
§
Mỏ có công suất lớn
(> 50 triệu tấn) là 36 mỏ với tài nguyên 5.328,18 triệu tấn;
§
Mỏ có công suất
trung bình (20-50 triệu tấn) là 48 mỏ với tài nguyên 1.453,94 triệu tấn;
§
Mỏ có công suất
nhỏ (<20 triệu tấn) là 134 mỏ với tài nguyên 819,3 triệu tấn.
Trữ lượng các
mỏ đất sét đã được tìm kiếm, thăm dò chưa cân đối với trữ lượng các mỏ đá vôi
đã được tìm kiếm, thăm dò. Tỷ lệ tài nguyên đất sét cần tìm kiếm, thăm dò so
với tài nguyên đá vôi cần đạt 30%, trong khi thực tế tổng tài nguyên các mỏ đá
vôi đã tìm kiếm, thăm dò là 44.738,53 triệu tấn; tổng tài nguyên các mỏ đất sét
đã tìm kiếm, thăm dò (218 mỏ) là 7.601,42 triệu tấn; tỷ lệ này mới chỉ đạt 17%.
Ngoài hai loại
nguyên liệu chính là đá vôi và sét, các nguyên liệu điều chỉnh SiO2, Fe2O3
cho sản xuất clanker và các nguyên liệu khoáng cho sản xuất xi măng ở nước ta
cũng khá phong phú. Thêm vào đó, hiện nay các chất thải công nghiệp như: tro
bay, tro đáy của các nhà máy nhiệt điện, phospho gypsum của các nhà máy hóa
chất, xỉ gang, thép cũng là những nguồn vật liệu tốt và ngày càng nhiều.
Tuy những tài
nguyên, khoáng sản và chất thải công nghiệp có thể đáp ứng cho sản suất xi măng
lâu dài nhưng trong lĩnh vực nguyên liệu, năng lượng cho sản xuất xi măng cũng
còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo phát triển bền vững ngành
công nghiệp này, đó là: cần giảm thiểu việc sử dụng các khoáng sản tự nhiên
trong sản xuất, cần kết hợp khai thác với bảo vệ môi trường, cảnh quan, tăng
cường sử dụng chất thải nguyên liệu, nhiên liệu thay thế. Bên cạnh đó, mặc dù
trữ lượng than theo tính toán còn lớn nhưng thực tế đã có những thời điểm than
trong nước không đáp ứng được nhu cầu sản xuất xi măng.
Bảng 2. Sản
lượng xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2017
Đơn vị tính: Triệu tấn
Năm
|
2011
|
2012
|
2013
|
2014
|
2015
|
2016
|
2017
|
Tổng sản lượng
|
49,30
|
53,61
|
61,15
|
71,00
|
72,70
|
75,21
|
78,84
|
Tiêu thụ trong nước
|
44,95
|
45,50
|
46,05
|
50,60
|
54,45
|
59,29
|
61,20
|
Xuất khẩu (*)
|
5,50
|
8,10
|
15,10
|
20,40
|
16,25
|
15,29
|
18,00
|
Nhập khẩu
|
1,15
|
0,8
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
(*) Tổng sản
lượng xuất khẩu cả xi măng và clanker.
1.1.3 Nguồn lực lao
động xã hội.
Theo quy “Quy
hoạch phát triển nhân lực quốc gia giai đoạn 2011-2020” và Điều chỉnh quy hoạch
phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm
2035” thì: nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghiệp tăng từ mức 8,4 triệu
người năm 2015 lên mức 10,8 triệu người năm 2020, trên 14,0 triệu người năm
2025 và đạt mức 23,5 triệu người năm 2035. Tổng số nhân lực qua đào tạo năm
2020 khoảng 9,9 triệu người, đạt tỷ lệ 91,7%; năm 2025 khoảng 13,3 triệu người,
đạt tỷ lệ 95,5% và năm 2035 khoảng gần 23,0 triệu người, đạt tỷ lệ 98,0% so với
tổng số nhân lực công nghiệp. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, ngành công
nghiệp xi măng nước ta còn đang rất thiếu cán bộ khoa học công nghệ giỏi, thiếu
kỹ sư cơ điện, mỏ địa chất, tự động hóa v.v... cũng như thiếu lực lượng công
nhân có kỹ thuật, có tay nghề cao trong sản xuất xi măng.
2.2 Hiện trạng ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.
2.2.1 Công suất
thiết kế, quy mô công suất và sản lượng.
Tổng số các dây
chuyền sản xuất xi măng đã được đầu tư và khai thác đến hết năm 2017 là 82 dây
chuyền sản xuất clanker với tổng công
suất thiết kế là 97,64 triệu tấn xi măng/năm, trong đó:
-
40 dây chuyền
công suất thiết kế từ 3.000 tấn clanker/ngày trở lên, chiếm 76,1% tổng công
suất thiết kế.
-
13 dây chuyền
công suất thiết kế 2.500 tấn clanker/ngày, chiếm 12,1% tổng công suất thiết kế.
-
29 dây chuyền
công suất thiết kế nhỏ hơn 2.500 tấn clanker/ngày, chiếm 11,8% tổng công suất
thiết kế.
Như đã nói ở
phần 1, từ năm 2010, sản lượng xi măng sản xuất trong nước đã vượt nhu cầu nội
địa. Trong Bảng 2 trình bày sản lượng xi măng giai đoạn 2011-2017.
2.2.2 Chi phí vật
chất, năng lượng và năng suất lao động.
-
Chi phí vật liệu:
Các nguyên liệu
chính cho sản xuất clanker chủ yếu là: đá vôi, đá vôi sét, đất sét, nguyên liệu
điều chỉnh silic, nguyên liệu điều chỉnh sét. Hiện tại hầu hết các nguyên liệu
này đều là các khoáng sản tự nhiên. Nhiên liệu cho sản xuất clanker hiện nay
chủ yếu là than cám. Các loại xi măng hỗn hợp hiện nay sử dụng tương đối nhiều loại
phụ gia khoáng, trong đó, những loại phụ gia khoáng thường được sử dụng là: đá
vôi, đá bazan, đá silic, tro bay nhiệt điện, xỉ nhiệt điện, xỉ hạt lò cao.
Trong bảng 3 trình bày chi phí nguyên liệu trung bình cho sản xuất 1 tấn
clanhke. Trong Bảng 4 trình bày chi phí nguyên liệu trung bình cho sản xuất 1
tấn xi măng PCB40.
Bảng 3. Chi phí bình quân nguyên, nhiên liệu cho sản
xuất 1 tấn clanhke
TT
|
Nguyên, nhiên liệu
|
Tỉ lệ trong phối liệu, %
|
Chi phí kg/tấn clanker
|
1
|
Đá vôi
|
~ 76
|
1.200
|
2
|
Sét
|
~ 13
|
200
|
3
|
Nguyên liệu điều silic
|
~ 8
|
120
|
4
|
Nguyên liệu điều chỉnh sắt
|
~ 3
|
45
|
5
|
Than cám 4A
|
|
116
|
Bảng 4. Chi phí bình quân nguyên, nhiên liệu cho sản
xuất 1 tấn xi măng PCB40
TT
|
Nguyên, vật liệu
|
Tỉ lệ trong xi măng, %
|
1
|
Clanhke
|
~ 70
|
2
|
Phụ gia khoáng
|
~ 26
|
3
|
Thạch cao
|
~ 4
|
-
Chi phí năng
lượng: theo số liệu điều tra, khảo sát của Viện VLXD, chi phí năng lượng cho
sản xuất clanker, xi măng trung bình và thấp nhất như sau:
+ Chi phí nhiệt nung clanker:
§
Trung bình toàn
ngành: 800 kcal/kg.
§
Thấp nhất: 740
kcal/kg.
+ Chi phí điện cho sản xuất clanhke:
§
Trung bình toàn
ngành: 65 kwh/tấn.
§
Thấp nhất: 57
kwh/tấn.
+ Chi phí điện cho nghiền xi măng:
§
Trung bình toàn
ngành: 35 kwh/tấn.
§
Thấp nhất: 24
kwh/tấn.
-
Năng suất lao
động: Năng suất lao động chung của toàn ngành (chỉ tính trong dây chuyền sản
xuất chính, không tính nhân công khai thác mỏ, vận chuyển, bán hàng) đạt 7,5
tấn xi măng/công lao động – tương đương 0.13 công lao động/01 tấn xi măng,
trong đó:
+ Phân theo loại hình doanh nghiệp: Tổng công ty xi
măng: 7,5 tấn XM/1 công lao động – tương đương 0,13 công LĐ/tấn XM. Khối liên doanh: 11 tấn XM/1 công lao
động – tương đương 0,09 công LĐ/tấn XM. Các doanh nghiệp khác: 6,5 tấn XM/1
công lao động – tương đương 0,15 công LĐ/tân XM.
+ Phân công theo công suất thiết kế lò nung: Loại có
công suất lớn hơn 3.000 tấn clanhke/ngày: 8,5 tấn XM/1 công lao động – tương
đương 0,12 công LĐ/tấn XM. Loại có công suất 2.500 tấn clanhken/ngày: 6,5 tấn
XM/1 công lao động – tương đương 0,15 công LĐ/tấn XM. Loại có công suất nhỏ hơn
2.500 tấn clanhke/ngày: 5,5 tấn XM/1 công lao động –tương đương 0,17 công
LĐ/tấn XM.
2.2.3 Sản phẩm xi
măng.
Hiện nay các
sản phẩm xi măng của Việt Nam tương đối đa dạng. Các doanh nghiệp sản xuất xi
măng ở nước ta đã sản xuất được hầu hết các chủng loại xi măng poóc lăng phục
vụ cho nhu cầu xây dựng trong nước, như: xi măng poóc lăng PC, xi măng poóc
lăng hỗn hợp PCB, xi măng xây trát MC, xi măng poóc lăng ít tỏa nhiệt cho thi
công bê tông khối lớn, xi măng poóc lăng bền sun phát, xi măng poóc lăng cho
giếng khoan dầu khí, xi măng poóc lăng trắng.... Tuy nhiên, các sản phẩm thông
dụng, chiếm thị phần lớn chỉ gồm: PC40; xi măng poóc lăng hỗn hợp PCB40, PCB30;
xi măng xây trát MC25, MC20. Các loại xi măng do Việt Nam sản xuất hoàn toàn
đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam TCVN và tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như
tiêu chuẩn Châu Âu EN, tiêu chuẩn Mỹ ASTM. Các tiêu chuẩn Việt Nam TCVN thường
xuyên được cập nhật, bổ sung và cũng có những yêu cầu tương đồng với các tiêu
chuẩn xi măng của các nước phát triển.
2.3 Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến
năm 2025 và định hướng đến năm 2035.
2.3.1 Dự báo thị
trường và nhu cầu xi măng.
a)
Dự báo thị
trường.
Trên cơ sở tập
hợp các thông tin về thị trường xi măng thế giới, thị trường xi măng khu vực
châu Á, đặc biệt là các thông tin về các nước có tiềm năng xuất khẩu, các nước
có nhu cầu nhập khẩu, có thể có một số nhận định tổng quát về tình hình thị
trường xi măng Việt Nam như sau:
-
Trong dài hạn, xi
măng vẫn là một loại vật liệu xây dựng chủ yếu, cần thiết cho ngành Xây dựng.
-
Nhu cầu về xi
măng của Việt Nam trong thời gian tới vẫn tăng hàng năm.
-
Do đặc điểm địa
lý tự nhiên, hàng năm phải vận chuyển một lượng lớn xi măng, clanhke từ phía
Bắc vào phía Nam.
-
Nhiều nước trên
thế giới vẫn có nhu cầu nhập khẩu xi măng nên khi cần thiết có thể xuất khẩu xi
măng.
b)
Dự báo nhu cầu
-
Căn cứ chính để
xây dựng dự báo: một số căn cứ chính đã được sử dụng để xây dựng dự báo nhu cầu
xi măng ở Việt Nam đến năm 2025 gồm:
+ Các số liệu về dân số và vốn đầu tư từ 2001 đến 2016 theo Niên giám thống kê của
Tổng cục Thống kê và báo cáo về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam của Chính
phủ;
+ Dự báo dân số Việt Nam đến năm 2025 theo mức tăng dân
số tự nhiên;
+ Dự báo về một số chỉ tiêu kinh tế xã hội đến năm 2020,
2025 do các chuyên gia kinh tế Viện Chiến lược và phát triển, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư cung cấp;
+ Các số liệu về tiêu thụ xi măng được tổng hợp từ các
nguồn số liệu: Các nguồn điều tra thực tế về tình hình sản xuất xi măng tại các
địa phương trong cả nước của Viện VLXD, các số liệu của Viện NCKH Thị trường
giá cả, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan và Bộ Xây dựng;
+ Một số định hướng phát triển công nghiệp, cơ sở hạ
tầng, đô thị... ở Việt Nam đến năm 2025.
+ Tình hình kinh tế xã hội Việt Nam đến năm 2016.
-
Kết quả dự án báo
nhu cầu xi măng Việt Nam: tại năm mốc quy hoạch được nêu trong bảng 5.
Bảng 5. Tổng hợp dự báo nhu cầu xi măng ở Việt Nam
Năm
|
Đơn vị
|
Nhu cầu xi măng
|
Nhu cầu xi
măng
(tính
trung bình)
|
2020
|
Triệu tấn
|
74-89
|
82,69 (lấy tròn 83)
|
2025
|
Triệu tấn
|
94,5 – 116
|
99,11 (lấy tròn 99)
|
2035
|
Triệu tấn
|
126,93 – 175,49
|
151,21 (lấy tròn
151)
|
2.3.2 Những định
hướng chính đối với ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.
Như đã nói ở
trên, do QHXM 2017 không được ban hành nên bài viết này chỉ trích một số quan
điểm, mục tiêu và định hướng chính đối với sự phát triển ngành công nghiệp xi
măng Việt Nam trong thời gian tới.
a) Quan điểm phát triển: Ngành công nghiệp xi măng cần
phát triển theo hướng bền vững, kết hợp phát triển công nghiệp sản xuất xi măng
và quản lý tài nguyên trong dài hạn. Nhà nước thống nhất quản lý khoáng sản làm
xi măng trong toàn quốc theo quy hoạch, kế hoạch.
b) Về đầu tư: ưu tiên đầu tư các dự án xi măng mới ở các
vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp,
có điều kiện hạ tầng giao thông, gần thị trường tiêu thụ, các dự án đầu tư mở
rộng; các dự án công suất lớn. Nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ đối với các nhà
máy xi măng cũ; dừng sản xuất đối với các nhà máy công nghệ lạc hậu, gây ô
nhiễm môi trường. Ưu tiên các dự án đầu tư ở các tỉnh Nam Trung bộ và phía Nam.
Có thể đầu tư một số dự án phía Tây làm động lực phát triển kinh tế Vùng. Hạn
chế đầu tư các dự án xi măng ở vùng khó khăn về nguyên liệu, ảnh hướng đến các
di sản văn hóa, phát triển du lịch, an ninh, quốc phòng.
c) Về công nghệ, công suất: Sử dụng công nghệ tiên tiến
với mức độ tự đồng hóa cao, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, năng lượng trong sản
xuất. Kết hợp công nghệ sản xuất xi măng với việc xử lý và sử dụng chất thải
công nghiệp và phế thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế nhằm tiết kiệm tài
nguyên, giảm ô nhiễm môi trường. Không đầu tư mới các dự án có dây chuyền công
nghệ công suất nhỏ hơn 3.000 tấn clanhke/ngày.
-
Khuyến khích việc
tái cơ cấu ngành xi măng để hình thành các tập đoàn sản xuất xi măng công suất
lớn, nâng cao năng suất sản xuất, cải tiến công nghệ, tái sử dụng phế thải làm
nguyên, nhiên liệu thay thế, đa dạng hóa sản phẩm xi măng và giải quyết tốt hơn
các vấn đề về môi trường.
d) Mục tiêu phát triển:
-
Phát triển xi
măng Việt Nam trở thành một ngành kinh tế, công nghiệp lớn, có công nghệ tiên
tiến, bảo vệ tốt môi trường, cảnh quan thiên nhiên; sử dụng hiệu quả, tiết
kiệm, đa dạng nguyên, nhiên liệu; sử dụng các loại chất thải công nghiệp, phế
thải xây dựng, phế thải sinh hoạt trong sản xuất xi măng;
-
Đầu tư sản xuất
xi măng có quy mô công suất lớn, đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng nội địa với số
lượng lớn, đa dạng chủng loại sản phẩm với chất lượng cao, giá thành hạ, thân
thiện môi trường; phát triển hài hòa các loại xi măng cho công trình biển đảo,
xi măng mác cao cho các công trình cần bê tông mác cao, đường bê tông xi măng
trên cao, xi măng bền trong các môi trường xâm thực, chịu áp lực thẩm thấu lớn,
xi măng đóng rắn nhanh và các loại xi măng đặc biệt khác.
e) Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật – môi trường cần đạt
được:
-
Về nguyên liệu:
Nguồn nguyên liệu chính cho các dự án xi măng phải được xác định trong Quy
hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng có trữ lượng đảm bảo
đủ cho sản xuất liên tục ít nhất 30 năm. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn
nguyên liệu tự nhiên theo hướng: khai thác tận thu khoáng sản, khai thác âm,
khai thác theo công nghệ khoan hầm; phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai
sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ hoạt động khoáng sản; xử lý nước
thải theo tiêu chuẩn vệ sinh trước khi thải. Tăng cường sử dụng các chất thải
công nghiệp, phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế để giảm việc sử dụng
tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất xi măng.
-
Các chỉ tiêu kỹ
thuật, môi trường: Các nhà máy xi măng, trạm nghiền xi măng đầu tư mới phải đáp
ứng yêu cầu về công nghệ với mức độ tự động hóa cao, khuyến khích công nghệ 4.0;
chi phí nhân công, nguyên liêu, năng lượng thấp, giảm phát thải ra môi trường.
-
Một số chỉ tiêu
cụ thể:
+ Tiêu hao nhiệt năng: ≤ 730 Kcal/kg canhke.
+ Tiêu hao điện năng: ≤ 90 Kwh/tấn xi măng.
+ Nồng độ bụi phát thải tại nguồn: ≤ 20 mg/Nm3.
-
Các dây chuyền
sản xuất xi măng đang vận hành phải cải tạo để đến năm 2020 đảm bảo các chỉ
tiêu kỹ thuật, môi trường như dự án đầu tư mới.
-
100% dây chuyền
sản xuất xi măng phải lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường trực tuyến theo quy
định của pháp luật về môi trường.
-
100% dây chuyền
sản xuất xi măng có công suất lò nung ≥ 2.500 tấn clanhke/ngày phải đầu tư trạm
phát điện sử dụng nhiệt khí thải.
3. Kết luận
Báo cáo “Quy
hoạch phát triển xi măng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035” được
hoàn thành vào năm 2017 là một tài liệu rất có ý nghĩa, có những phân tích toàn
diện, đầy đủ về thực trạng ngành, dự báo thị trường, công nghệ và đưa ra một số
định hướng chính cho ngành công nghiệp xi măng Việt Nam. Mặc dù Chính phủ không
phê duyệt và ban hành QHXM theo quy định của Luật quy haochj nhưng Báo cáo QHXM
2017 là một tài liệu tham khảo tốt đối với công tác xây dựng chiến lược, kế
hoạch và định hướng phát triển thị trường cho ngành công nghiệp xi măng Việt
Nam.
tin: Đặng Thành Nam