- Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực phát triển đô thị, như:
- Xác định đúng đắn vị trí, tầm quan trọng của công tác phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, ngay từ đầu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường công tác lãnh chỉ đạo, Ngành Xây dựng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án, Nghị quyết, Chỉ thị về quy hoạch và phát triển đô thị.
- Giai đoạn trước năm 2010, Đồng Nai có 11 đô thị, trong đó Biên Hoà là thành phố tỉnh lỵ đô thị loại II, thị xã Long Khánh đô thị loại IV và 06 thị trấn huyện lỵ đô thị loại V (thị trấn Long Thành, Thị trấn Trảng Bom, Thị trấn Vĩnh An, Thị trấn Gia Ray, Thị trấn Định Quán, Thị trấn Tân Phú. Các đô thị của tỉnh đảm nhiệm được vai trò hạt nhân phát triển kinh tế xã hội của từng vùng - nhanh chóng hình thành các đô thị công nghiệp và dịch vụ. Trong giai đoạn này, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã tích cực tập trung và huy động nhiều nguồn lực để mở rộng 1 số đường Quốc lộ, liên Tỉnh lộ, cao tốc; chuẩn bị địa bàn khởi công 1 số tuyến đường cao tốc, đường Quốc lộ tránh các đô thị. Đây là những cơ hội rất lớn để tỉnh Đồng Nai phát huy tiềm năng về phát triển những thành phố mới, các trung tâm dịch vụ cao cấp, công nghiệp, đào tạo và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tỉnh Đồng Nai đã ban hành các chủ trương, chính sách để triển khai cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và các chiến lược, chính sách HĐH, CNH Năm 2010, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Đồng Nai đạt 33,43%. Mật độ phân bố đô thị toàn tỉnh là 1,36 đô thị/1000km2. Do các tác động của tốc độ phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ, tốc độ đô thị hoá tại Đồng Nai ngày một tăng nhanh, với nhịp độ tăng cơ học là 1,6% một tỉ lệ cao so với mức bình quân của cả nước. Các vùng có tốc độ đô thị hoá cao tập trung xung quanh thành phố Biên hoà, thị trấn Trảng Bom, Long Thành, dọc theo quốc lộ 1A và quốc lộ 51. Đây là các vùng phát triển đô thị qui mô lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp, có các điều kiện thuận lợi về hạ tầng kĩ thuật và đất xây dựng.
- Từ 2010 đến nay, nhiều Chương trình phát triển các đô thị của tỉnh đã được phê duyệt; Đô thị Thành phố Biên Hòa đã được công nhận là đô thị loại I năm 2016; Đô thị Long Khánh nâng cấp từ thị xã lên thành phố năm 2019 và là đô thị loại III; Thành lập thêm thị trấn Long Giao và nâng cấp nhiều xã của Biên Hòa và Long Khánh lên thành phường ; Đô thị Long Thành, Trảng Bom được công nhận là đô thị loại IV và đang phấn đấu trong những năm sắp tới nâng lên đô thị loại III; Một số chương trình phát triển đô thị hiện đang tiếp tục lập cho các đô thị như đô thị Dầu Giây, Gia Ray, Nhơn Trạch.
- Tỷ lệ đô thị hóa đến nay đạt gần 70% cao hơn trung bình của toàn quốc; Dân số toàn tỉnh tính đến cuối năm 2021 khoảng 3,1 triệu người.
- Có những bước phát triển về kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, nhân lực, an ninh quốc phòng,... Kinh tế trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng dần. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được chú trọng nên chất lượng đô thị đã được cải thiện hơn nhiều, hệ thống hạ tầng đô thị đã được đầu tư tương đối cơ bản định hình, một số dự án quan trọng quốc gia như Sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến đường trọng yếu kết nối với sân bay Long Thành như đường Vành đai 3, Vành Đai 4, các tuyến cao tốc như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2015, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và Phan Thiết - Dầu Giây đã được khởi công xây dựng, các tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Bến Lức - Long Thành , Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được triển khai thực hiện là sự thuận lợi lớn để tỉnh Đồng Nai kết nối các tỉnh khác trong vùng, vận chuyển hàng hóa thuận lợi và phục vụ tốt an ninh - quốc phòng, giải quyết ách tắc giao thông; góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Hình ảnh: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Cùng đó, việc phát triển các khu công nghiệp với 32 KCN được thành lập với tổng diện tích đất 10.227,19 ha, đã cho thuê được 5.955,27 ha, đạt 84,68% diện tích đất công nghiệp cho thuê, thu hút được 43 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.997 dự án, trong đó 1.374 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng và phát triển KCN, góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tại thành phố Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Long Khánh và Nhơn Trạch.
- Quá trình đô thị hóa tại Đồng Nai phát triển ngày một mạnh mẽ, thu hút nhiều lao động tới làm việc tại các khu công nghiệp tập trung. Bằng chứng cho thấy tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng và mở rộng không gian đô thị tại Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom, Nhơn Trạch, nơi có các khu công nghiệp lớn hoạt động có hiệu quả, các dự án khu dân cư, khu đô thị thu hút tập trung đầu tư như Aqua City, Khu đô thị Waterfront City, khu đô thị Đại Phước…
Hình ảnh: khu đô thị Đại Phước - Tuy nhiên đô thị hóa nhanh kéo theo nhiều hệ lụy về vấn đề môi trường, nhà ở, phúc lợi xã hội đang tạo áp lực lên lĩnh vực phát triển đô thị.
→ Sự phát triển công nghiệp là xu hướng chuyển dịch dân cư từ các tỉnh thành khác đến Đồng Nai khiến gia tăng dân số, ảnh hưởng khả năng đáp ứng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị (kẹt xe, ngập úng, diện tích nhà ở và cây xanh trên đầu người thấp, nhà ở xã hội… → Hạ tầng khung giao thông vùng kết nối Đồng Nai với thành phố Hồ Chí Minh chưa hình thành đồng bộ nên đô thị mới Nhơn Trạch chưa thể phát triển theo quy hoạch; Thành phố Biên Hòa có diện mạo đô thị chưa xứng tầm với một trung tâm đô thị lớn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhiều khu dân cư cũ cơ sở hạ tầng không đồng bộ và chậm phát triển, do thiếu nguồn lực đầu tư; → Tình trạng xây dựng tự phát, phân lô bán nền, lộn xộn, chắp vá, thiếu mỹ quan tại các đô thị mới phát triển, đặc biệt là tại các khu dân cư nông thôn đang tiến lên đô thị hoá nhanh chóng như Long Thành, Trảng Bom; → Kết cấu hạ tầng đã được quan tâm đầu tư cải tạo, nhưng vẫn đang trong tình trạng thiếu đồng bộ chưa đủ đáp ứng cho một nền sản xuất hàng hoá trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường và hội nhập… - Định hướng phát triển Đồng Nai trong thời gian tới:
Hiện nay, trong khu vực cùng với sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng của các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu thì Đồng Nai việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị chưa tương xứng với vị trí và vai trò đã được xác định. Mục tiêu đã đặt ra cho Đồng Nai đến năm 2030 Đồng Nai sẽ trở thành một Trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao và vùng nông lâm nghiệp hiện đại phát triển cân bằng và bền vững; Các đô thị của tỉnh đảm nhiệm được vai trò hạt nhân phát triển kinh tế xã hội của từng vùng - nhanh chóng hình thành các đô thị công nghiệp và dịch vụ; Đến năm 2050 sẽ tập trung nâng cao chất lượng đô thị, phát triển theo mô hình đô thị sinh thái. → Chú trọng nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Phát huy tối đa hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Nâng cao chất lượng sống tại đô thị, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho nhân dân. Phát triển chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. → Giai đoạn sau năm 2030: Phấn đấu nâng thêm số lượng đô thị loại II (Nhơn Trạch, Long Khánh), nâng thêm số lượng đô thị công nhận là thành phố (Nhơn Trạch); Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các khu vực; 05 đô thị động lực của tỉnh (Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom và Nhơn Trạch và đô thị Long Thành) gắn với các chức năng quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực; Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển theo hướng đô thị xanh, hiện đại, đô thị thông minh. → Giảm phát triển đô thị theo hình thái đô thị nén, phát triển hình thành các chuỗi đô thị bám theo lợi thế Sông Đồng Nai để hình thành phát triển chuỗi đô thị Sân bay kết nối với đô thị sông nước tập trung phát triển các địa bàn Nhơn Trạch, Long Thành kéo dài đến Biên Hòa và Vĩnh Cữu tạo động lực phát triển các đô thị nhỏ loại V nhằm tạo thế cân bằng trong thúc đẩy đồng đều về phát triển đô thị. → Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (đô thị loại V) để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn; Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị, xây dựng và phát triển các đô thị thông minh, xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hóa.
Trần Tư Duy |