Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Ngày 24 tháng 7 năm 2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, theo Giấy mời số 2959/GM-UBKT15 ngày 17 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện Sở Xây dựng đã tham dự Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Tờ trình số 228/TTr-CP ngày 14 tháng 5 năm 2024. Dự án Luật này đã được Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra và có Báo cáo thẩm tra số 2831/BC-UBKT15 ngày 30 tháng 5 năm 2024. Ngày 20 tháng 6 năm 2024 dự án Luật đã được các Đại biẻu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp tổ 4 và ngày 28 tháng 6 năm 2024 dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại phiên họp toàn thể.

Picture1 bai 1.png

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội thảo lần này, với dự thảo ngày 16 tháng 7 năm 2024, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, giải trình và hoàn thiện nhiều nội dung đã được góp ý, đồng thời cũng đưa ra một số nội dung cần tiếp tục trao đổi, cụ thể như:

- Về các khái niệm “đô thị", “nông thôn", “quy hoạch đô thị", “quy hoạch nông thôn"; các loại và các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn và mối quan hệ giữa các loại, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đây là nội dung mang tính cốt lõi của toàn bộ dự thảo Luật. Có xác định được một hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn khoa học, hợp lý, vị trí, vai trò của từng quy hoạch, thì mới làm rõ được mối quan hệ giữa các quy hoạch này, tính “tuân thủ", “phù hợp", nguyên tắc điều chỉnh; sự cần thiết lập quy hoạch trong các tình huống khác nhau có sự giao thoa, chồng lấn về ranh giới lập quy hoạch cũng như nguyên tắc xử lý.

- Về mối quan hệ, xử lý mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch đối với khu vực chồng lấn giữa quy hoạch khu chức năng và quy hoạch chung huyện, xã; việc xử lý khi có mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và nông thôn và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, giữa các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 5 và Điều 7).

- Tính “tuân thủ", “phù hợp" với các loại quy hoạch được luận giải như thế nào, nội dung nào của quy hoạch cần tuân thủ tuyệt đối, nội dung nào chỉ cần xem xét tính phù hợp, và phù hợp là phù hợp ở mức độ như thế nào, rất cần làm rõ đối với từng cấp độ quy hoạch: quy hoạch chung cần có nội dung mang tính định hướng như thế nào, không đưa các nội dung, thông số, thông tin quá cụ thể, quá chi tiết về các các dự án đầu tư, dẫn đến sự thiếu sự linh hoạt và gây khó khăn trong quá trình triển khai; mức độ cụ thể, chi tiết của quy hoạch phân khu như thế nào; quy hoạch chi tiết do nhà đầu tư lập, gắn với với dự án đầu tư cụ thể nhưng phải được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, cần “tuân thủ", “phù hợp" ra sao để bảo đảm được tính linh hoạt trong quá trình triển khai dự án đầu tư.

Mâu thuẫn giữa các quy hoạch như quy định tại khoản 3 Điều 7 là mâu thuẫn về nội dung gì, nội dung “tuân thủ" hay “phù hợp". Việc thực hiện theo quy hoạch có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn đã bảo đảm đúng trong mọi trường hợp hay chưa, có cần kèm theo điều kiện khác gì không?

- Về quy hoạch đối với thành phố trực thuộc trung ương (Điều 3 và Điều 20)

Quy hoạch chung đô thị được lập với thành phố trực thuộc trung ương tại dự thảo Luật có nhiều nội dung trùng lặp với quy hoạch tỉnh được lập đối với thành phố trực thuộc trung ương theo Luật Quy hoạch, đều mang tính chất định hướng phát triển chung nhưng không có sự khác biệt về chức năng của 2 bản quy hoạch này.

Việc cùng một phạm vi lãnh thổ tồn tại song song 2 bản quy hoạch do cùng 1 cấp phê duyệt có nội dung trùng lặp hay mâu thuẫn nhau sẽ gây lãng phí nguồn lực, có thể dẫn đến khó khăn trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương. Đây cũng là nội dung được các thành phố trực thuộc trung ương báo cáo và các đại biểu thảo luận nhiều trong quá trình Quốc hội giám sát việc triển khai chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch năm 2021-2022.

- Về quy hoạch chung xã (Điều 3 và Điều 26)

Theo quy định tại dự thảo Luật, hiện nay, đối với tất cả các huyện, sau khi Luật này ban hành, đều phải lập quy hoạch chung huyện. Đồng thời, đối với tất cả các xã, phải lập quy hoạch chung xã. Tuy nhiên, mức độ chi tiết thể hiện qua tỷ lệ các bản vẽ của quy hoạch chung huyện và xã là như nhau, quy hoạch chung huyện không phải là cơ sở để lập quy hoạch chung xã, tức là có vai trò độc lập ngang nhau, cùng căn cứ vào quy hoạch tỉnh.

- Về đô thị mới

Dự thảo Luật đang thiết kế theo hướng đối với đô thị dự kiến hình thành trong tương lai thì phải lập mới quy hoạch đô thị tương ứng với phân loại đô thị dự kiến hình thành trong tương lai. Như vậy, đối với một tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương phải lập quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương (Điều 20), một huyện phấn đấu trở thành thành phố thuộc tình phải lập quy hoạch thành phố trực thuộc tỉnh (Điều 21)… nhưng thời kỳ quy hoạch thì rất dài, định hướng phấn đấu co thể rất xa, vậy thời điểm nào, căn cứ vào đâu để lập mới quy hoạch đô thị lại chưa rõ, liệu có thể sử dụng quy hoạch hiện có để đưa ra các định hướng phát triển hướng tới đô thị được hình thành trong tương lại được không? Thay vì lập mới quy hoạch, tốn kém thời gian, công sức nhưng chưa rõ về sự cần thiết. Trường hợp không có sự thay đổi về địa giới đơn vị hành chính thì trên cùng một địa bàn tỉnh cùng tồn tại 03 loại quy hoạch: quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương đối với đô thị mới, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; đối với huyện phấn đấu trở thành thành phố thuộc tỉnh cùng lúc tồn tại 03 loại quy hoạch: quy hoạch chung huyện, quy hoạch thành phố trực thuộc tỉnh đối với đô thị mới và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; nguy cơ chồng chéo, trùng lặp nội dung, trường hợp triển khai đầu tư dự án phải bảo đảm phù hợp với cả 03 loại quy hoạch, trường hợp điều chỉnh phải cùng lúc điều chỉnh cả 03 loại quy hoạch.

- Về tỷ lệ bản vẽ các quy hoạch đô thị và nông thôn

So với quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng hiện hành, dự thảo Luật đã điều chỉnh giảm tỷ lệ bản vẽ các loại quy hoạch đô thị và nông thôn:

Đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh giảm từ tỷ lệ 1/50.000 hoặc 1/25.000 xuống tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000; đối với quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh hoặc thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã điểu chỉnh giảm từ tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000          xuống tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000; đối với quy hoạch chung thị trấn giảm từ tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000 xuống tỷ lệ 1/5.000; đối với quy hoạch chung huyện điều chỉnh giảm từ tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000 xuống tỷ lệ 1/10.000; đối với quy hoạch chung xã điều chỉnh giảm từ tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000 hoặc 1/5.000 xuống tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000, đối với quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật điều chỉnh giảm từ tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000 xuống tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000.

- Về sự thống nhất giữa thời hạn và thời kỳ quy hoạch chung đô thị, nông thôn

Qua giám sát tối cao của Quốc hội năm 2021-2022 về việc thực hiện Luật Quy hoạch và giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, Ủy ban Kinh tế nhận được nhiều ý kiến về sự không thống nhất về thời kỳ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng với các quy hoạch khác như quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất… dẫn đến quá trình thực hiện các phương án quy hoạch để tích hợp dự báo khó bảo đảm sự đồng bộ, tương thích, thời điểm khớp nối giữa các loại quy hoạch, nhất là khó khăn trong lập kế hoạch sử dụng đất các tỉnh, các huyện.

Hiện nay, tại khoản 10 Điều 6 dự thảo Luật đã quy định thời hạn quy hoạch chung đô thị và nông thôn được phân kỳ theo các giai đoạn phù hợp với thời kỳ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Tại khoản 2 Điều 45 dự thảo Luật quy định thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương là 5 năm, quy hoạch chi tiết tối đa là 3 năm, kể từ ngày quy hoạch đô thị và nông thôn được phê duyệt, phù hợp với từng giai đoạn quy hoạch.

Tuy nhiên, chưa thật rõ cơ sở khoa học và cơ sở thực tế của việc xác định thời hạn quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn không đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

- Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn

Theo dự thảo Luật, Quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của đô thị loại đặc biệt, quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết có ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, các quy hoạch này là quy hoạch cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung đô thị thành phố trực thuộc trung ương là đô thị đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, liệu có cần thiết không Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch này, hay phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các quy hoạch này để bảo đảm tính chủ động trong triển khai thực hiện của các địa phương?

Quy định tại dự thảo Luật, trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định đối với nhiệm quy hoạch và quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ quy hoạch lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng về sự tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm phù hợp với yêu cầu về phát triển, kết nối hạ tầng kỹ thuật vùng, tỉnh và việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong nội dung quy hoạch. Xin các đại biểu cho ý kiến thêm về vai trò, ý nghĩa của ý kiến của Bộ Xây dựng tại bước này, nên là trước, trong hay sau quá trình thẩm định và cần làm rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng đối với ý kiến tại bước này theo hướng nào.

Tại Hội nghị, nhiều đại diện cơ quan, doanh nghiệp, hội nghề nghiệp đã tiếp tục có những ý kiến đóng góp thực tế để cơ quan chủ trì nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 12 năm 2024.


Tác giả: Anh Tuấn

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​