Sáng ngày 11/10/2024, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai do đồng chí Quản Minh Cường chủ trì đã thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT giai đoạn 2019-2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trước khi nghe UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và việc đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh Doanh - Chuyển giao (BOT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cùng đại diện UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan, đơn vị liên quan đã đi khảo sát thực tế tại một số dự án trọng điểm và dự án BOT.
Đoàn Giám sát kiểm tra hiện trạng tuyến đường BOT đường ĐT.768
Đối với dự án BOT đường ĐT.768, ngày 08/10/2024 UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án BOT đường ĐT.768 và tiến độ thực hiện duy tu, sửa chữa tuyến đường ĐT.767B (đường nhà máy nước Thiện Tân - đường Hoàng Văn Bổn được tách ra khỏi dự án ĐT.768). Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang tổ chức lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật sửa chữa tuyến đường ĐT.767B, song song đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo nhà đầu tư dự án BOT đường ĐT.768 khẩn trương sửa chữa tạm tuyến đường làm cơ sở bàn giao cho Sở Giao thông vận tải.
Sau khi kiểm tra tuyến đường ĐT.768, Đoàn giám sát tiếp tục kiểm tra hiện trạng tuyến đường Hoàng Văn Bổn. Tuyến đường này trước đây thuộc dự án BOT đường ĐT.768, tuy nhiên do nhà đầu tư phải dừng thu phí nhiều năm nay nên đã không có kinh phí để duy tu, sửa chữa, hàng năm nhà đầu tư vẫn sử dụng nguồn vốn khác của công ty để duy tu, tuy nhiên do không đủ chi phí nên chưa thể thực hiện sửa chữa, nâng cấp lớn được, dẫn đến tuyến đường sau khi duy tu lại tiếp tục hư hỏng nặng lại.
Đoàn Giám sát kiểm tra hiện trạng tuyến đường ĐT.767B
Đối với dự án xây dựng đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa - đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn, tổng diện tích đất cần thu hồi là 331.096,6m2/533 thửa đất của 380 trường hợp, đến nay đã thu hồi được 20,33ha; mặt bằng đến nay mới bàn giao được khoảng 37% và không liên tục dẫn đến chưa thể thi công đồng bộ được các hạng mục xây lắp. Dự án đã ký hợp đồng thi công được 5 gói thầu, với tổng giá trị là 245,98 tỷ đồng/1.106 tỷ đồng. Dự án này dự kiến cần tái định cư cho 206 hộ.
Đoàn Giám sát kiểm tra hiện trạng tuyến đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa - đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn
Sau khi kiểm tra hiện trạng 03 tuyến đường trên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và việc đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT tại Sở Giao thông vận tải. Tại hội nghị, Sở Giao thông vận tải đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện từng dự án cụ thể; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đối với Đoàn Đại biểu Quốc hội. Cụ thể:
1. Đối với Quốc hội:
- Sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp Luật điều chỉnh phương thức PPP xử lý các bất cập hiện nay; có quy định, hướng dẫn việc chấm dứt hợp đồng đối với các dự án theo Hợp đồng BOT.
- Điều chỉnh khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019, như sau: Đối với nguồn vốn không giải ngân hết thuộc kế hoạch đầu tư công hằng năm bị hủy dự toán, cho phép phân bổ 100% vào kế hoạch hằng năm các năm sau (không thực hiện việc trích 50% nộp quỹ dự trữ tài chính và không thực hiện trích nộp các khoản khác).
- Tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP, quy định: “tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cho mục đích hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án". Trên địa bàn tỉnh hiện nay, có nhiều dự án giao thông, triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, với quy mô, tổng mức đầu tư lớn, việc hạn chế vốn nhà nước tham gia dự án, khiến các dự án khó khả thi do thời gian hoàn vốn kéo dài, không thu hút được các nhà đầu tư. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị xem xét điều chỉnh quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP theo hướng nâng tỷ lệ tham gia của nhà nước trong dự án PPP để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia dự án.
- Tại khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách năm 2015, quy định: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm". Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có một số dự án giao thông đi qua địa bàn 02 tỉnh, phạm vi xây dựng giữa 02 địa phương chủ yếu là cầu, việc dùng ngân sách địa phương này không được đầu tư cho địa phương khác khiến việc đầu tư xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị điều chỉnh theo hướng đối với các dự án giao thông đi qua nhiều địa phương đề nghị giao UBND cấp tỉnh của một trong các địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và cho phép Hội đồng nhân dân các tỉnh có dự án đi qua thống nhất việc sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để đầu tư dự án.
2. Đối với Chính phủ: Kiến nghị điều chỉnh khoản 3 Điều 46 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ; trong đó, không quy định thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm giữa các dự án trong nội bộ của Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Kết thúc buổi giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị:
- Đối với đường Hoàng Văn Bổn: Sở Giao thông vận tải, phối hợp với Công an tỉnh nghiên cứu cấm xe tải theo giờ; UBND tỉnh chỉ đạo ngay việc khắc phục tạm thời các ổ gà, hố sụt lún lớn để giảm nguy cơ tai nạn giao thông trên đường; Sonadezi Châu Đức triển khai nhanh việc đầu tư khắc phục các điểm hư họng nặng trên tuyến đường.
- Các dự án trọng điểm chủ yếu vướng giải phóng mặt bằng, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
- Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát sẽ ghi nhận để nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền.