Sáng ngày 06/9/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á, ADB đã tổ chức Hội thảo tham vấn đánh giá thực trạng và định hướng phát triển chiếu sáng đô thị hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 do Cục trưởng Tạ Quang Vinh chủ trì, với sự tham dự trực tuyến của đại diện Bà Hyuniung Lee - chuyên gia kinh tế, chủ nhiệm dự án ADB; tham dự trực tiếp của Bà Nguyễn Thị Như Vân - chuyên gia hiệu quả năng lượng và cơ sở dữ liệu VETS, Ông Dương Chí Công - chuyên gia hiệu quả năng lượng VETS và đại diện các Sở Xây dựng phía Nam, cùng các chuyên gia, các tổ chức liên quan.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Tạ Quang Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Tạ Quang Vinh đã nêu sự cần thiết phải tổ chức hội thảo và đưa và nhiều nội dung cần trao đổi, thảo luận như: việc tích hợp chiếu sáng công cộng vào quy hoạch như thế nào; việc triển khai quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch điện 8 đến đâu; các địa phương thực hiện mục tiêu chiếu sáng đô thị hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tới đâu...
Khai mạc hội thảo, Bà Hyuniung Lee - chuyên gia kinh tế, chủ nhiệm dự án ADB cũng đã có phát biểu chào mừng hội thảo. Theo Bà, Việt Nam hiện nay có tốc độ đô thị hóa nhanh, đã hình thành nhiều đô thị thông minh; việc chiếu sáng thông minh đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, góp phần làm tăng khả năng đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng… Hiện nay, vẫn còn nhiều hệ thống chiếu sáng hiện hữu lỗi thời; trong khi công nghệ chiếu sáng trên thế giới ngày nay rất tiên tiến, nhiều công nghệ chiếu sáng hiện đại, chú trọng đến bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững. ADB rất vui khi được phối hợp, hỗ trợ Bộ Xây dựng trong việc định hướng chiếu sáng đô thị, phát triển năng lượng, hướng tới phát triển đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, phát thải ròng bằng 0. Ngoài việc huy động các nguồn vốn đầu tư công, thì việc thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác cũng rất khả thi, ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và Bộ Xây dựng trong việc huy động từ các nguồn vốn vay, tài trợ, từ các nguồn tái tạo, bảo vệ
môi trường…
Bà Hyuniung Lee - chuyên gia kinh tế, chủ nhiệm dự án ADB phát biểu chào mừng hội thảo
Theo nghiên cứu, đánh giá của Bà Nguyễn Thị Như Vân - chuyên gia hiệu quả năng lượng và cơ sở dữ liệu VETS, kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy tỷ lệ đường phố được chiếu sáng ở nhiều đô thị còn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể như sau:
Các thông số chiếu sáng đường phố của các đô thị khảo sát năm 2023:
Tỷ lệ đường phố chiếu sáng bằng đèn hiệu suất cao, tiết kiệm điện năm 2023:
Tại Hội nghị Cục Hạ tầng kỹ thuật đã đưa ra một số quan điểm, mục tiêu và giải pháp điều chỉnh định hướng chiếu sáng đô thị để các tổ chức, cá nhân tham dự cùng trao đổi, thảo luận. Cụ thể như sau:
Về quan điểm: Cơ bản vẫn giữ các quan điểm tại Quyết định 1874/QĐ-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025: chiếu sáng gắn liền với phát triển đô thị; đồng bộ với hệ thống hạ tầng đô thị; phát triển khoa học công nghệ để chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng. Bổ sung quan điểm về chiếu sáng gắn với đô thị thông minh; bảo vệ môi trường đô thị; tiết kiệm năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Về mục tiêu tổng quát: Phát triển chiếu sáng đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị theo tiêu chí chiếu sáng thông minh đáp ứng đô thị thông minh; đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mới trong chiếu sáng đô thị đảm bảo tiết kiệm hiệu quả theo xu hướng đô thị xanh và bảo vệ môi trường hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Về mục tiêu cụ thể:
- Nâng cao chỉ tiêu tỷ lệ chiếu sáng đường phố, trong đó tập trung đối với chiếu sáng ngõ xóm tại các đô thị.
- Điều chỉnh chỉ tiêu về chiếu sáng sử dụng nguồn sáng hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng (nêu rõ là sử dụng nguồn sáng LED).
- Điều chỉnh, quy định cụ thể hơn về chỉ tiêu chiếu sáng thông minh.
- Điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu các công trình chiếu sáng công cộng đô thị sử dụng năng lượng tái tạo.
- Bổ sung mục tiêu/chỉ tiêu hạn chế ô nhiễm ánh sáng.
Về giải pháp:
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển chiếu sáng công cộng đô thị:
- Đề xuất các nội dung quản lý phát triển chiếu sáng đô thị bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và thông minh (dự kiến sẽ quy định trong dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị; sửa đổi NĐ79);
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định làm cơ sở để đa dạng hóa nguồn lực phát triển chiếu sáng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, thực hiện hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực chiếu sáng, nghiên cứu áp dụng mô hình ESCO (Sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020).
- Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành để khắc phục các vấn đề bất cập như nguồn ngân sách, thời hạn gói thầu dịch vụ quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị; chưa ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị. - Quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị:
- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch chiếu sáng trong các đồ án quy hoạch đô thị;
- Quy định rõ, cụ thể kế hoạch phát triển chiếu sáng công cộng trong kế hoạch đầu tư trung hạn tại các tỉnh, thành. - Đầu tư, phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị:
- Ưu tiên ngân sách đầu tư phát triển hệ thống chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, gắn với phát triển đô thị thông minh.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị. - Phát triển khoa học công nghệ đáp ứng các yêu cầu chiếu sáng trong giai đoạn mới (hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thông minh).
- Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá cần được cập nhật, bổ sung các công nghệ chiếu sáng mới.
- Hoàn thiện về tổ chức của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị.