Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển đô thị thông minh ngành xây dựng Đồng Nai

Hiện nay, phát triển Đô thị thông minh bền vững là xu thế chung, tất yếu của các nước trên thế giới, là hình mẫu đô thị đổi mới, ứng dụng đa dạng các công cụ, tài nguyên công nghệ để giao tiếp, tạo ra, phổ biến, lưu giữ và quản lý thông tin để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong đó vẫn đảm bảo đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội…

Có thể thấy, trong thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng chưa đáp ứng được tốc độ và nhu cầu phát triển của xã hội. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số còn chậm, công cụ sử dụng còn thô sơ, thủ công, sản phẩm khai thác chủ yếu dưới dạng: giấy, excel, word, autocad… chưa có nhiều phần mềm chuyên dụng, công cụ bản quyền tiên tiến, hiện đại như: Mapinfo, Google Earth, BIM, GIS…

Việc chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh hiện nay đang rất bức thiết, bài toán đặt ra là làm thế nào để đạt được các tiện ích, sản phẩm cụ thể của việc chuyển đổi số, đáp ứng được các mục tiêu, tiêu chí quan trọng như:

Một là, Hạ tầng dịch vụ (công nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, giáo dục…) dựa trên nền kinh tế tri thức.

Hai là, Hạ tầng số phải có cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, cảm biến, kết nối, tự động hóa, tương tác trên nền tảng ứng dụng đa dạng các công cụ và tài nguyên công nghệ.

Ba là, Không gian đô thị hướng đến phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ đa chức năng.

Bốn là, Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải được quản lý, vận hành tự động trên nền tảng số hoặc có công cụ quản lý, hỗ trợ phục vụ khai thác, vận hành thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí…

Năm là, Cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Để hướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững, ngày 01/08/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định 950/QĐ-TTg về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam năm 2018-2025 và định hướng đến 2030, đây là việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông nâng cao sự đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Một số nội dung, giải pháp chính được xác định cần phải làm ngay, đó là:

Thứ nhất, ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý đô thị.

Trước mắt, cần xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh, nhằm xây dựng khối lượng cơ sở dữ liệu định dạng số thể hiện các thông tin quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và vật liệu xây dựng, cung cấp các thông tin này đến người dùng, nhằm phục vụ công tác quản lý đô thị, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, bên cạnh đó là cung cấp nguồn thông tin quy hoạch xây dựng đến cộng đồng, người dân. Đồng thời, thiết lập các phần mềm và ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cụ thể:

  • Tìm hiểu về nguồn dữ liệu cần thu thập của đề tài (Hạ tầng kỹ thuật đô thị, Quy hoạch - Xây dựng, Công trình xây dựng, Vật liệu xây dựng…). Tiến hành thu thập, chọn lọc và kế thừa cơ sở dữ liệu hiện có tại các phòng ban có liên quan.
  • Tổng hợp cơ sở dữ liệu, quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh phục vụ mục tiêu đề ra. Xây dựng hệ quản trị cơ sở dữ liệu có tính hệ thống, chuẩn mực, liên kết chặt chẽ với nhau.
  • Xây dựng hệ thống phần mềm với đầy đủ các tính năng, giao diện dễ sử dụng chứa đầy đủ các thông tin cần thiết phục vụ cho sở ban ngành, doanh nghiệp, người dân. Trong đó, hướng đến các ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau (local, web và mobile) có khả năng tích hợp và chia sẻ dữ liệu lẫn nhau.

Toàn bộ hệ thống được xây dựng với công nghệ hiện đại, giao diện dễ sử dụng. Cơ sở dữ liệu được cập nhật theo đúng quy trình, nhanh chóng và chính xác tạo sự thống nhất quản lý giữa các sở ban ngành, kết nối được với doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, đẩy mạnh việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong xây dựng, phải thực hiện từ bước chuẩn bị đầu tư, thiết kế, thi công cho đến vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình, nhằm có được đầy đủ dữ liệu số về thông tin công trình, phục vụ kiểm soát chất lượng hồ sơ thiết kế, việc thay đổi trong quá trình thi công, quản lý vận hành, bảo trì, sữa chữa công trình được thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành rất lớn.

Thứ ba, kết hợp BIM và GIS, nhận định BIM là phần mềm tạo lập mô hình, cung cấp cơ sở dữ liệu đáng tin cậy trong toàn bộ vòng đời của dự án từ khi xây dựng đến khi tháo dỡ công trình; còn GIS là nền tảng cho các ứng dụng, là công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý qua đó thực hiện biên tập bản đồ, lưu trữ dữ liệu bản đồ, thao tác trên bản đồ sao cho tương hợp sự vật, hiện tượng ngoài không gian thực. Do đó, việc kết hợp BIM và GIS sẽ giúp chúng ta hình dung công trình khá chuẩn xác ngoài thực địa trên môi trường ảo, qua đó phục vụ tốt hơn trong việc đưa ra ý tưởng quy hoạch, thiết kế công trình, điều chỉnh thiết kế…

bim và gis.png 

Hình ảnh mô phỏng sự kết hợp giữa BIM và GIS

Thứ tư, áp dụng công nghệ mới trong quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: công nghệ khoan, kích ngầm trong thi công xây dựng, ngầm hóa các hệ thống thông tin liên lạc, điện chiếu sáng, cấp thoát nước nhằm hạn chế tối đa việc đào đắp, ảnh hưởng môi trường và an toàn giao thông; sử dụng các giải pháp ngăn mùi hôi cho hệ thống thoát nước mưa, nước thải; đưa công nghệ vào quản lý hệ thống chiếu sáng để có thể điều khiển tự động, cảm biến ánh sáng, cảnh báo sự cố, tiết kiệm điện, an toàn sử dụng và thuận lợi trong vận hành, bảo trì; ứng dụng giải pháp công nghệ điều khiển, lập trình tự động trong khảo sát thực địa, khảo sát địa hình, thủy văn như công cụ bay, lặn, siêu âm… để tiết kiệm thời gian, độ chính xác cao, an toàn lao động.

Thứ năm, có giải pháp quy hoạch giao thông phù hợp, trong đó ưu tiên phát triển giao thông xanh, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như: phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hoá, phát triển cảng xanh và chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng điện và năng lượng xanh…



Duy Quang

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​