Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
QUẢN LÝ CỐT XÂY DỰNG TRONG ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

1. Đặt vấn đề:

Thực tế hiện nay tại các đô thị, thường xảy ra việc ngập úng khi có triều cường hay mưa lớn trở nên rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân đô thị. Mức độ ngập úng cục bộ từng vị trí, thời điểm khác nhau. Có rất nhiều nguyên nhân dân đến ngập úng ở đô thị, nhưng nguyên nhân cơ bản, cốt lõi có tính khoa học là “quản lý cốt nền xây dựng trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị". Việc tính toán xác định cốt nền xây dựng như thế nào trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và công tác quản lý cốt nền xây dựng như thế nào trong thực trạng hiện nay.

2. Khái niệm cốt nền xây dựng:

- Có nhiều cách gọi khác nhau như: cao độ xây dựng; cao độ khống chế xây dựng; cốt xây dựng; cốt nền xây dựng hay cao trình xây dựng.

- Luật Xây dựng năm 2014, tại Điều 3 giải thích từ ngữ có ghi: Cốt xây dựng là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ được chọn phù hợp với quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa.

Từ các cơ sở khái niệm, giải thích từ ngữ nêu trên, chúng ta có thể hiểu cụm từ cốt xây dựng và cốt xây dựng khống chế là một và gọi chung là cốt xây dựng.

Vậy cốt xây dựng là cụm từ để chỉ cao độ nền tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ để các khu vực trong đô thị không bị ngập úng, ngập lụt và cao độ nền được tính toán, xác định để đảm bảo các yêu cầu về thoát nước mưa, an toàn về giao thông và đảm bảo các yêu cầu về thiết kế cảnh quan đô thị.

3. Mục đích xác định cốt xây dựng:

- Cốt xây dựng là cao độ xây dựng tối thiểu được nghiên cứu quy định trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị nhằm đảm bảo rằng các khu vực trong đô thị không bị ngập úng, ngập lụt do chế độ thuỷ văn của sông, hồ ảnh hưởng trực tiếp đến đô thị hoặc ảnh hưởng bởi chế độ thuỷ triều (đối với các đô thị ven biển). Việc nghiên cứu xác định cao độ xây dựng tại các khu vực trong đô thị không được thấp hơn cốt xây dựng được xác định trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

- Cốt xây dựng được nghiên cứu, thiết kế, xác định cao độ xây dựng theo nội dung, yêu cầu của từng giai đoạn thiết kế quy hoạch của đồ án (quy hoạch chiều cao - san nền và thoát nước mưa). Việc thoát nước mưa được tính toán cho từng lưu vực trong đô thị trên nguyên tắc “tự chảy" theo độ dốc địa hình tự nhiên. Do đó độ dốc cần được tính toán khoa học cho từng đơn vị ở, từng khu chức năng để nước mưa tự chảy được, không bị ngập úng cục bộ.

- Cao độ xây dựng (hay còn gọi là cốt nền) được tính toán xác định cụ thể cho từng công trình xây dựng cụ thể (gồm nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình hạ tầng xã hội) phải đảm bảo về yêu cầu thoát nước mưa, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và môi trường sinh thái (đảm bảo độ dốc tự chảy khoảng 4/1.000) và được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn phát triển đô thị.

4. Hệ thống thoát nước mưa:

Hệ thống thoát nước mưa cần phải được tính toán, thiết kế tiết diện cống, mương phù hợp với từng lưu vực thoát (liên quan đến cường độ mưa và tần suất ngập úng) hệ thống thoát nước mưa phải đồng bộ và phủ đều các khu vực trong đô thị, phù hợp với địa hình khu vực, độ dốc, tiết kiệm cống, vị trí hố ga, trạm bơm.

cote.jpg

Quá trình thi công hệ thống thoát nước mưa

KDC Tân An (Vĩnh Cửu, Đồng Nai)

5. Xác định cốt xây dựng, cao độ xây dựng:

5.1 Cốt xây dựng: Việc xác định cốt xây dựng căn cứ vào chế độ thuỷ văn của sông, hồ hay chế độ thuỷ triều mà đô thị đó bị ảnh hưởng, căn cứ vào tần suất và chu kỳ lũ (ngập úng) để tính toán cốt xây dựng, cao độ xây dựng. Cao độ khống chế cốt xây dựng tối thiểu phải cao hơn mức nước ngập tính toán tối thiểu 0,3m đối với khu đất dân dụng và 0,5m đối với khu đất công nghiệp.

5.2 Cao độ xây dựng: Dựa trên cốt xây dựng được xác định sẽ tiến hành thiết kế quy hoạch san nền, xác định cao độ xây dựng cho từng khu vực, từng công trình trong đô thị theo từng giai đoạn quy hoạch (còn gọi là kỳ quy hoạch) đối với công tác san nền và thoát nước mưa.

Tuỳ từng loại quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) để tính toán cốt xây dựng và cao độ xây dựng. Cụ thể:

a) Đối với quy hoạch chung:

- Đánh giá, xác định các loại đất theo điều kiện tự nhiên: thuận lợi, ít thuận lợi, cấm xây dựng hoặc hạn chế xây dựng.

cate 1.jpg

Sơ đồ định hướng chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng

( Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050)

- Xác định cốt xây dựng khống chế cho từng khu vực, toàn đô thị, các trục giao thông chính đô thị, chỉ rõ khu vực tôn nền (bù đắp thêm) hay hạ nền (san gạt, chuyển nơi khác); dự báo khối lượng san nền (đất đắp, đất đào,…)

- Xác định các lưu vực thoát nước mưa chính, hệ thống cống thoát nước mưa chính, các hồ điều hoà (nếu có) và các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối (trạm bơm, cống xả,…).


b) Đối với quy hoạch phân khu:

cote 2.jpg
Bản đồ quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật đất (quy hoạch phân khu D1 theo quy hoạch chung thành phố Biên Hoà)

- Quy hoạch chiều cao phải đảm bảo đồng bộ với các khu vực lân cận có liên quan và đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; xác định cụ thể các điểm giao cắt đường giao thông; vị trí đào, đắp và khối lượng đào đắp.

- Hệ thống thoát nước mưa: được thiết kế với đầy đủ thông số kỹ thuật (tiết diện cống, mương thoát, độ dốc, hướng thoát, cao độ điểm đầu, điểm cuối,…).


c) Đối với Quy hoạch chi tiết 1/500:

cote 3.jpg
Bản đồ quy hoạch thoát nước mưa (điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư tại xã Long Tân và Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai)

- Quy hoạch chiều cao: Cụ thể hoá chi tiết hơn đối với quy hoạch phân khu, xác định cụ thể các đường ống nhánh, hố ga thu nước, giếng thăm kỹ thuật, vị trí taluy, tường chắn, kè…

6. Lời kết:

Qua những phân tích nêu trên, chúng ta thấy việc xác định cốt xây dựng, cao độ nền xây dựng đã được yêu cầu tính toán nghiên cứu trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết); Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý về cao trình nền xây dựng trong các đô thị chưa được quan tâm đúng mức và chưa được quản lý chặt chẽ nên hệ luỵ đã xảy ra ngập úng cục bộ hoặc ngập úng trên diện rộng trong đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của cư dân đô thị. Quản lý cốt xây dựng, cao độ xây dựng là công việc khó khăn và phức tạp, do đó cần phải được xác định, tính toán ngay từ khi lập các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để có định hướng lâu dài và đồng bộ trong quá trình phát triển đô thị. Đã đến lúc cần phải có một nghiên cứu tổng thể về quản lý cao độ nền trong đô thị để từ đó có các giải pháp mang tính khả thi giúp cho chính quyền đô thị giải quyết vấn đề thoát nước mưa, tránh ngập úng trong đô thị, khu dân cư.

7. Cơ quan quản lý cao độ nền xây dựng:

- Cơ quan quản lý quy hoạch hoặc quản lý xây dựng ở địa phương là cơ quan quản lý cao độ nền xây dựng (ở Hà Nội và TP.HCM là Sở Quy hoạch – Kiến trúc còn các địa phương còn lại là Sở Xây dựng). Tuỳ thuộc vào sự phân cấp của từng địa phương giao cho cấp huyện, quận. Trên cơ sở các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chính quyền các cấp phải tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch thuộc địa giới hành chính mình quản lý. Đối với quy hoạch chung thì nội dung công bố theo quy định của người có thẩm quyền phê duyệt. Đối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì phải được công bố toàn bộ nội dung và quy định về quản lý quy hoạch của đồ án được cấp có thầm quyền phê duyệt.

- Cơ quan quản lý quy hoạch, xây dựng các cấp phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về địa điểm, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đèn đỏ, cốt xây dựng (cao độ nền xây dựng) và các thông tin có liên quan đến quy hoạch khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu trong phạm vị đồ án quy hoạch do mình quản lý.

- Thực tế nhận thức vai trò và tầm quan trọng của cao độ nền xây dựng trong đô thị còn nhiều hạn chế từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thanh tra, kiểm tra và giám sát của người dân. Cơ quan cấp phép xây dựng nhiều khi không cung cấp cao độ nền (mặc dù đã có quy định trong Giấy phép xây dựng). Công tác thanh tra, kiểm tra bản vẽ xây dựng cũng thường không kiểm tra cao trình nền xây dựng, chủ đầu tư dự án và người dân cũng hạn chế sự quan tâm đến thiết kế cao độ nền.

- Sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành với nhau, giữa các chủ thể xây dựng và cơ quan quản lý, tư vấn thiết kế… trong việc tuân thủ cao độ nền trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được phê duyệt cũng là nguyên nhân gây ngập úng cục bộ trong các khu đô thị, dân cư.


Trần Anh Việt

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​