Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đăng tải thông tin mời quan tâm đến cuộc thi tuyển phương án kiến trúc Khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai

Hiện nay, Sở Xây dựng đã trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai xem xét, phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế thi tuyển phương án kiến trúc Khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai.

Nhằm cung cấp thông tin sớm đến các đơn vị, tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc uy tín trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm quan tâm, Sở Xây dựng đăng tải các thông tin sơ bộ về cuộc thi như sau:

1. Thông tin chung về cuộc thi:

- Tên cuộc thi: Thi tuyển phương án kiến trúc khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai.

- Cơ quan quyết định thi tuyển: Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

- Cơ quan tổ chức thi tuyển: Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai.

- Tổ chức thi tuyển gồm 02 vòng:

+ Vòng 1 (sơ tuyển): Thông báo rộng rãi và mời các đơn vị tư vấn thiết kế

kiến trúc có uy tín và kinh nghiệm nước ngoài và Việt Nam được biết, đăng ký tham gia và nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

Quá trình xét tuyển ở Vòng 1 dựa trên Hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn theo yêu cầu tiêu chí của Quy chế thi tuyển và đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật hiện hành; Hội đồng sơ tuyển sẽ lựa chọn từ 05 - 08 đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm phù hợp để mời tham dự Vòng 2.

+ Vòng 2 (thi tuyển): Các đơn vị vào Vòng 2 sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về yêu cầu nhiệm vụ thiết kế cuộc thi và thực hiện phương án thiết kế trong thời gian 05 tuần, nộp sản phẩm dự thi theo đúng thời gian yêu cầu của Ban Tổ chức.

Hội đồng thi tuyển sẽ thực hiện chấm giải và thông báo kết quả đến Ban Tổ chức để thực hiện công bố các phương án dự thi trúng giải theo quy định.

2. Mục đích cuộc thi tuyển:

- Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai được tổ chức nhằm cụ thể hóa chủ trương di dời và xây dựng mới trung tâm hành chính cấp tỉnh, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng hành chính - đô thị, phù hợp với định hướng phát triển không gian và kiến trúc đô thị hiện đại. Đồng thời cuộc thi cũng góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo bộ máy chính quyền 2 cấp được triển khai vận hành một cách tập trung, chuyên nghiệp, đồng bộ đáp ứng được mục tiêu chuyển đổi số, chính quyền điện tử... tạo điều kiện thuận lợi để bộ máy chính quyền cấp Tỉnh thực hiện công tác quản lý, điều hành sự phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhân dân hiệu quả nhất.

- Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai nhằm lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc chất lượng, sáng tạo, có tính biểu tượng cao, thể hiện vai trò là đầu mối chính trị - hành chính của tỉnh; đồng thời hài hòa giữa giá trị thẩm mỹ và công năng sử dụng, bảo đảm tuân thủ các yêu cầu về quy hoạch tổng mặt bằng, kiến trúc công trình cũng như cảnh quan khu vực.

Phương án thiết kế kiến trúc khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai hướng tới việc hình thành một khu trung tâm hành chính có kiến trúc đồng bộ, hiện đại, mang bản sắc riêng, góp phần xây dựng hình ảnh tỉnh Đồng Nai năng động, văn minh và phát triển bền vững.

- Kết quả cuộc thi sẽ là cơ sở để triển khai các bước tiếp theo trong quá trình đầu tư xây dựng khu Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

3. Phạm vi và quy mô dự án:

- Vị trí: Khu trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai nằm trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện hữu tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; (sau ngày 01 tháng 7 năm 2025, khu vực này thuộc phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai).

- Phạm vi ranh giới (căn cứ theo phương án đề xuất ranh khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai tại Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2025 của Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả thi tuyển “Ý tưởng quy hoạch chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị – thương mại – dịch vụ tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)

+ Phía Bắc và Nam tiếp giáp: Khu đô thị - thương mại – dịch vụ;

+ Phía Đông và Đông Nam tiếp giáp: Xa lộ Hà Nội (Quốc lộ 1A);

+ Phía Tây và Tây Nam tiếp giáp: đường Trần Quốc Toản và sông Cái.

song csi.png

Vị trí khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai

- Quy mô diện tích xây dựng: Tổng diện tích khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai: khoảng 40 ha. Trong đó gồm 3 khu:

+ Khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai: Diện tích khu đất: khoảng 19,0 ha.

+ Khu Trung tâm Hội nghị - Triển lãm – Tổ chức sự kiện: Diện tích khu đất: khoảng 3,0 ha.

+ Khu Quảng trường trung tâm - Quảng trường nước: Diện tích khu đất: khoảng 18,0 ha.

vtri 03.jpg

Vị trí 03 khu

  1. Chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và chức năng công trình và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc

a)      Khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai

  • Quy mô diện tích: khoảng 19,0 ha;
  • Mật độ xây dựng: ≤ 40 %;
  • Tầng cao: 20 - 30 tầng;
  • Tầng hầm: 01- 02 tầng;
  • Quy mô thiết kế công trình: Các cơ quan chức năng cho khoảng 3.200 người làm việc (theo Phụ lục I).
  • Chức năng chính: công trình Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh, là nơi làm việc của tất cả các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Tổ chức chính trị - xã hội, Sở, ban, ngành của tỉnh Đồng Nai (trừ các đơn vị lực lượng vũ trang).

b)     Khu Trung tâm Hội nghị - triển lãm:

  • Quy mô diện tích khoảng 3,0 ha;
  • Mật độ xây dựng: ≤ 50 %;
  • Tầng cao: 03 tầng;
  • Tầm hầm: 01 - 02 tầng;
  • Quy mô thiết kế công trình: Hội trường 1.500 chỗ; Phòng họp 500 chỗ; Phòng biểu diễn nghệ thuật 500 chỗ; Không gian hoặc phòng triển lãm và các phòng chức năng phụ trợ. (theo Phụ lục II);
  • Chức năng chính: công trình công cộng đa chức năng, là nơi tổ chức các sự kiện như Hội nghị, Hội thảo, triển lãm, các sự kiện với các cấp độ quy mô lớn, quan trọng của tỉnh cũng như Vùng Đông Nam Bộ và quốc gia, quốc tế được tổ chức tại Đồng Nai.

c)       Khu Quảng trường trung tâm - Quảng trường nước:

  • Quy mô diện tích khoảng 18,0 ha;
  • Mật độ xây dựng (đề xuất): ≤ 5 %;
  • Tầng cao (đề xuất): 01 tầng;
  • Quy mô phục vụ: Quảng trường (đề xuất) 5.000 người, các công trình phụ trợ;
  • Chức năng chính: là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, các buổi diễu hành và lễ hội, biểu diễn ngoài trời, tập trung đông, gắn với khai thác không gian mặt nước theo mọi quy mô với không gian có thể tổ chức linh hoạt (nghiêm trang - cộng đồng - mái che linh động - biến tấu chuyển biến công năng). Ngoài ra, đây còn là không gian mở, nơi sinh hoạt cộng đồng, giao lưu, và vui chơi giải trí hấp dẫn cả ngày lẫn đêm cho người dân.

5. Nội dung thiết kế

5.1. Yêu cầu thiết kế chung

Phương án thiết kế cần tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã được phê duyệt, đáp ứng quy mô hạng mục chức năng, công suất thiết kế và cấp công trình theo quy định.

Đảm bảo tổng thể dự án hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, đáp ứng yêu cầu kết nối giao thông nội bộ và giao thông khu vực tối ưu.

Phương án phù hợp tiêu chí và yêu cầu thiết kế, khai thác hiệu quả lợi thế của địa điểm xây dựng để truyền tải được thông điệp về một nền hành chính minh bạch, thân thiện và hiện đại, qua đó góp phần tạo dựng thương hiệu Đồng Nai mang tầm vĩ mô.

Đối với kiến trúc công trình cần mang tính biểu tượng cao, hiện đại, thẩm mỹ và độc đáo, thể hiện đặc trưng riêng của tỉnh Đồng Nai, đồng thời tạo điểm nhấn về không gian cho khu vực. Vận dụng linh hoạt các quy định hiện hành trong quá trình thực hiện đề đề xuất giải pháp thiết kế phù hợp.

Các công trình trong khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh cần gây được cảm xúc cho người tham quan, tiếp cận. Có nghiên cứu giải pháp chiếu sáng nghệ thuật cho công trình để tạo hiệu quả điểm nhấn.

-Các công trình phải kết hợp thành một tổng thể hài hòa, thống nhất, kết hợp

việc tổ chức không gian công cộng và các tiện ích của khu vực, đáp ứng nhu cầu thư giãn và thân thiện trong hoạt động công sở.

Đề cao tính sáng tạo, độc đáo, không sao chép ý tưởng từ các mẫu thiết kế trong và ngoài nước … Tác giả của tác phẩm thiết kế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và bảo đảm vấn đề tác quyền của thiết kế.

Tổ chức dây chuyền hoạt động của các cơ quan Đảng, Chính quyền, Sở, ban, ngành,… đáp ứng yêu cầu liên hệ giữa các cơ quan chức năng. Kết nối không gian để đảm bảo dây chuyền hoạt động của tòa nhà Trung tâm chính trị - hành chính không chồng chéo, phù hợp với tính chất làm việc của các cơ quan nhà nước. Có giải pháp tổ chức không gian khu vực để quản lý, điều hành hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong vận hành sử dụng;

Nghiên cứu, tính toán, thiết kế đảm bảo các công trình đạt được yêu cầu tiện ích cao, đáp ứng các yêu cầu về công năng sử dụng, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường;

Nghiên cứu, tính toán để dự báo được các biến động có thể gặp trong tương lai, đảm bảo thời gian sử dụng công trình;

Đảm bảo thiết kế xây dựng các công trình tuân thủ các quy định về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, PCCC, các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành;

Trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, tiện nghi, tiết kiệm. Khuyến khích sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ quản lý và điều hành tiên tiến chung cho khu vực.

5.2. Yêu cầu cụ thể

a) Yêu cầu về thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng cho khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai

- Quy hoạch tổng mặt bằng toàn khu:

+ Trên quy mô tổng thể toàn khu khoảng 40 ha, yêu cầu thiết kế Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho toàn khu với 03 khu chính là: khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh, khu Trung tâm Hội nghị - Triển lãm – Tổ chức sự kiện và Quảng trường trung tâm – Quảng trường nước.

+ Yêu cầu thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan cho toàn khu và các phân khu;

+ Bố trí hệ thống cây xanh, sân vườn kết hợp với mặt nước, tiểu cảnh để tạo cảnh quan và môi trường sinh thái sinh động, hấp dẫn.

+ Tổ chức các không gian mở, linh hoạt và sống động để phục vụ sinh hoạt cộng đồng trong cả thời gian ngày và đêm. Tuy nhiên, cần xem xét phân lớp không gian để đảm bảo tính độc lập tương đối trong quá trình khai thác sử dụng công trình.

- Yêu cầu về tổ chức giao thông và hạ tầng kỹ thuật:

+ Đảm bảo kết nối với hệ thống giao thông bên ngoài và hệ thống giao thông nội khu đảm bảo an toàn, thuận tiện; nghiên cứu có nơi đáp máy bay trực thăng;

+ Tính toán quy mô bãi đậu xe ngầm và ngoài trời đáp ứng nhu cầu phục vụ.

- Yêu cầu về kỹ thuật và công nghệ:

+ Áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo lập một khu đô thị thông minh, các tòa nhà thông minh từ khâu quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì.

+ Áp dụng các nguyên lý, giải pháp góp phần hình thành khu vực đô thị theo hướng sinh thái với các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả.

+ Xem xét giải pháp liên thông ngầm để kết nối phục vụ các nhu cầu chung như bãi đỗ xe, các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối...

+ Khuyến khích đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong vận hành quản lý tòa nhà như: quản lý ra vào bằng thẻ từ, cảm biến vân tay….

b) Yêu cầu về thiết kế kiến trúc công trình:

- Công trình Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh:

+ Vị trí: thuộc Khu đô thị chính trị - hành chính tỉnh;

+ Đáp ứng tính chất công trình là trụ sở làm việc liên cơ quan của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đồng Nai, các Sở, ngành và các đơn vị trực thuộc, với đầy đủ cơ cấu tổ chức, bộ phận chức năng tại Phụ lục I;

+ Đáp ứng Yêu cầu thiết kế về Công sở cơ quan hành chính Nhà nước tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4601:2012 và các quy định pháp luật liên quan khác.

+ Công trình phải có quy mô phù hợp với công năng, đảm bảo an toàn, thuận lợi khi vận hành và bảo trì công trình, đáp ứng hoạt động với hiệu quả cao nhất của các cơ quan nhà nước, thuận tiện cho người dân, kể cả người khuyết tật tiếp cận sử dụng và thuận tiện cho giao tiếp cộng đồng và các cơ quan liên quan.

+ Đối với công sở của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh: cần được nghiên cứu thiết kế hợp khối, bố trí trong cùng một khuôn viên, tổ chức sân vườn, cây xanh, cảnh quan… tạo sự gắn kết giữa công trình với cảnh quan kiến trúc khu vực thành một quần thể kiến trúc hài hòa như quy định tại Mục b, khoản 6.9 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4601:2012.

+ Bố trí các khu chức năng rõ ràng, mạch lạc, đảm bảo dây chuyền làm việc giữa các bộ phận có liên quan, tạo sự hỗ trợ thuận lợi giữa các bộ phận và không ảnh hưởng đến hoạt động khác. Một mặt tạo điều kiện hoạt động độc lập, tiện nghi cho từng cơ quan, đồng thời có tính kết nối hợp lý trong tổng thể chung của khu trụ sở cơ quan hành chính tỉnh.

+ Thiết kế công sở cơ quan hành chính nhà nước phải đảm bảo cấp công trình và đủ 03 bộ phận: bộ phận làm việc, bộ phận công cộng và kỹ thuật, bộ phận phụ trợ và phục vụ. Các bộ phận chức năng trong Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh phải đảm bảo yêu cầu đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hóa công sở của hệ thống hành chính nhà nước.

+ Trường hợp đặc biệt có thể bố trí các khu vực dịch vụ hành chính, dịch vụ công cộng và khu vực tham quan trong công sở. Đơn vị dự thi đề xuất các chức năng phù hợp quy mô hoạt động, đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế và các quy định liên quan hiện hành.

+ Dự kiến khu vực phát triển, bổ sung công tác và nhân sự trong tương lai;

+ Đảm bảo môi trường làm việc thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên tốt nhất, đáp ứng tiêu chuẩn diện tích và chỗ làm việc đúng tiêu chuẩn, định mức quy định của từng chức danh, nghiệp vụ chuyên môn theo ngành, lĩnh vực công tác theo quy nh của nhà nước.

+ Thiết kế công sở phải thể hiện được tính trang nghiêm, mỹ quan, dân tộc và hiện đại, phù hợp với cảnh quan, môi trường và điều kiện tự nhiên, khí hậu theo vùng lãnh thổ; đảm bảo an ninh, bảo mật khi vận hành kể cả đối với hệ thống kỹ thuật công trình theo quy định.

+ Đề xuất màu sắc, các loại vật liệu hoàn thiện hiện đại có độ bền vững cao, phù hợp với môi trường đô thị, khuyến khích sử dụng các cấu trúc phù hợp truyền thống, tập quán khu vực, hài hòa với cảnh quan tự nhiên chung đô thị.

+ Phân khu chức năng hợp lý, đảm bảo an toàn thoát hiểm, thoát nạn, quy định Phòng cháy chữa cháy cho công trình và khu vực. Công trình nên có hàng rào bao quanh, cổng và phòng bảo vệ để đảm bảo an ninh.

+ Nghiên cứu giải pháp tiếp cận ở mức độ phù hợp cho người dân nhằm tạo ấn tượng gần gũi với cơ quan Nhà nước và thuận lợi để các tổ chức, công dân đến liên hệ, giao dịch.

- Công trình Trung tâm Hội nghị - triển lãm:

Trung tâm Hội nghị - triển lãm bao gồm các phòng chức năng sau:

+ Hội trường 1.500 chỗ;

+ Phòng biểu diễn nghệ thuật: 500 chỗ;

+ Phòng họp 200 chỗ;

+ Không gian triển lãm hoặc Phòng triển lãm: Tư vấn đề xuất phù hợp.

+ Khối phòng họp và hội nghị, hội thảo: Phòng họp tròn; Phòng khánh tiết; Phòng họp trực tuyến; Phòng họp, hội thảo đa năng; Phòng tiệc.

+ Khu phục vụ và phụ trợ: bố trí các khu vực/sảnh đón tiếp, các phòng chuẩn bị, phục vụ hội nghị, hội thảo, phòng bếp, các khu vực căng tin, giải khát, bộ phận y tế, an ninh, kho, khu vệ sinh chung, khu vực để xe tầng hầm...

+ Khu quản lý và kỹ thuật: Bố trí phòng làm việc cho khoảng 40 CBCNV, trong đó có 01 Giám đốc TT, 02 Phó Giám đốc TT, 01 phòng quản lý kỹ thuật tòa nhà và khu nghiệp vụ chung được bố trí dạng không gian mở và linh hoạt, các phòng đầu mối kỹ thuật,...

+ Khu phục vụ tập luyện và biểu diễn nghệ thuật: các phòng hóa trang, thay đồ, kho đạo cụ, phông màn, phòng nghỉ cho nghệ sĩ, diễn viên…

+ Phân khu chức năng hợp lý, đảm bảo an toàn thoát hiểm, thoát nạn; Dây chuyền hoạt động rõ ràng, phân định rõ diện tích các bộ phận; không gian hội nghị, biểu diễn, triển lãm được bố trí hợp lý, thuận tiện thay đổi khi có nhu cầu; tiết kiệm năng lượng và hệ thống kỹ thuật đồng bộ; đảm bảo các yêu cầu trong giải pháp tổ hợp Mặt bằng và hình khối công trình. Công trình phải tổ chức lưu thông và bãi đỗ xe phù hợp quy mô thiết kế.

+ Phương án kiến trúc phải có tính thẩm mỹ và nhận diện cao, tổ chức phòng Hội nghị, triển lãm và không gian công cộng đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế và phòng phụ trợ đảm bảo chức năng hoạt động.

+ Đảm bảo việc thông gió và chiếu sáng tự nhiên tốt nhất.

+ Công trình được tính toán trên cơ sở đáp ứng nhu cầu hiện tại của việc tổ chức Hội nghị, Hội thảo; đồng thời phải tính toán đến quy mô phát triển cho nhu cầu sử dụng theo khả năng dung nạp cho phép của lô đất và hạ tầng chung, đề xuất bổ sung các hạng mục chuyên dùng khác theo định hướng mở của Trung tâm Hội nghị - triển lãm hiện đại;

+ Cơ sở tính toán quy mô tối thiểu dựa trên các Quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.

+ Phương án thiết kế có tính biểu tượng, hiện đại và bản sắc riêng, đáp ứng yêu cầu độc đáo để có thể so sánh với các công trình kiến trúc đương đại nổi tiếng trên thế giới.

+ Ứng dụng công nghệ tiên tiến, giải pháp kiến trúc tạo hiệu quả xanh - sạch về môi trường và tiết kiệm năng lượng, bền vững.

+ Nghiên cứu khai thác các không gian, chi tiết, họa tiết mang bản sắc của kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Kết hợp hài hòa và tinh tế giữa tính hiện đại và truyền thống.

- Tổ chức không gian - cảnh quan Khu vực Quảng trường trung tâm – Quảng trường nước:

+ Tổ chức không gian công cộng phục vụ hoạt động cho sự kiện ngoài trời và các chức năng tư vấn đề xuất phù hợp quy mô hoạt động của công trình như: quảng trường tập trung, vườn hoa, tượng dài và công trình phụ trợ: khán đài (nếu có), nhà vệ sinh, bãi đỗ xe phù hợp.

+ Thiết kế đa dạng hình thái không gian và khai thác được đặc trưng khu vực để nâng cao hiệu quả thị giác và cảm xúc cho công trình.

+ Phương án đề cao tính sáng tạo, độc đáo để tạo biểu tượng cho khu vực.

c) Yêu cầu khác:

- Yêu cầu về giải pháp kỹ thuật công trình:

+ Giải pháp kết cấu hợp lý, khả thi, an toàn và bền vững; đáp ứng các tiêu chuẩn quy phạm hiện hành;

+ Lưu ý tiêu chuẩn, quy chuẩn Phòng cháy chữa cháy, tổ chức lối thoát nạn, lối tiếp cận cho người khuyết tật;

+ Lưu ý yếu tố kỹ thuật đối với các khu vực kho sách, kho lưu trữ … để đảm bảo công tác lưu trữ và phòng cháy chữa cháy;

+ Vật liệu xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương;

+ Dễ bảo hành, bảo trì khi vận hành trong khai thác sử dụng công trình;

+ Hạ tầng kỹ thuật: Thiết kế hạ tầng phù hợp với điều kiện địa hình tự nhiên, đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực. Nghiên cứu đấu nối hợp lý hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc theo định hướng phát triển của hạ tầng khu vực.

- Yêu cầu về giải pháp đảm bảo an ninh - an toàn:

+ Nghiên cứu phương án đảm bảo an ninh - an toàn phù hợp: Bảo vệ chặt chẽ các trụ sở, cơ quan, đồng thời tạo cảm giác thoải mái cho người làm việc, khách đến liên hệ công tác và tạo điều kiện khai thác các dịch vụ thương mại, tham quan, du lịch...

- Yêu cầu về nội thất công trình:

+ Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh:

  • Vật liệu trang trí đảm bảo thiết kế hiện đại, có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với tính chất cơ quan nhà nước;
  • Nội thất và trang thiết bị phòng làm việc phải đáp ứng quy mô hoạt động, tính thẩm mỹ phù hợp với mục đích sử dụng;
  • Môi trường làm việc tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu, nâng cao hiệu quả công tác;
  • Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất; thể hiện được sự nghiêm túc, sang trọng.

+ Trung tâm Hội nghị - triển lãm:

  • Tường, trần đảm bảo thiết kế cách âm, tiêu âm tốt;
  • Đồ nội thất của phòng họp, hội trường phải có chất lượng cao, tính thẩm mỹ cao phù hợp với mục đích sử dụng, tính chất cuộc họp;
  • Mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu, tạo hiệu quả cao cho cuộc họp;
  • Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất; thể hiện được sự nghiêm túc, sang trọng, chuyên nghiệp của phòng họp;
  • Thiết kế và bố trí tranh mỹ thuật và phù điêu phù hợp với mục đích sử dụng, tính chất cuộc họp.

+ Đối với sảnh, hành lang các công trình:

  • Đảm bảo tạo ấn tượng, điểm nhấn của công trình.
  • Tạo không gian thân thiện, ấm áp và sang trọng.
  • Tường, trần đảm bảo thiết kế cách âm, tiêu âm tốt.
  • Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất; thể hiện được sự nghiêm túc, sang trọng của khu vực sảnh, hành lang.
  • Thiết kế và bố trí tranh mỹ thuật và phù điêu phù hợp với mục đích sử dụng, tính chất cuộc họp.

5.3. Yêu cầu về Khái toán Tổng mức đầu tư xây dựng công trình

Tính toán, đề xuất sơ bộ Tổng mức đầu tư xây dựng các công trình tại thời điểm năm 2025, gồm các chi phí xây lắp, thiết bị, thiết kế, quản lý, giám sát... theo kinh nghiệm của tổ chức tư vấn thiết kế. Phương pháp tính có thể tham khảo số liệu về suất đầu tư của các dự án có quy mô, tính chất tương tự.

* Các yêu cầu đặt ra trong Nhiệm vụ thiết kế mang tính định hướng và gợi ý. Các tổ chức tư vấn thiết kế dự thi có thể bổ sung các nội dung để đưa ra phương án thiết kế quy hoạch - kiến trúc tối ưu.

5.4. Yêu cầu về tiêu chuẩn áp dụng:

Áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cũng như các lĩnh vực liên quan khác phù hợp.

6. Tiêu chí đánh giá phương án thiết kế

Phương án thiết kế kiến trúc khu trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai cần phù hợp với các tiêu chí và yêu cầu thiết kế, đảm bảo tuân thủ quy mô diện tích cũng như các định hướng về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc toàn khu, đáp ứng đầy đủ quy mô hạng mục chức năng, công suất thiết kế, cấp công trình, nhằm kiến tạo nên khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh độc đáo, liên kết tốt với các khu chức năng khác, cũng như phát huy được vai trò là trung tâm cấp tỉnh mới. Phương án thiết kế cần đáp ứng các tiêu chí sau:

6.1. Về quy hoạch tổng thể - kiến trúc cảnh quan

- Về quy hoạch sử dụng đất:

+ Phương án thể hiện được tổng mặt bằng sử dụng đất tương đương đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, trong đó chú trọng ý tưởng quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc cảnh quan các phân khu chức năng.

+ Tính toán và phân bổ các hạng mục chức năng cho từng Phân khu chức năng, đảm bảo tuân thủ theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được duyệt đồng thời phù hợp với phân kỳ đầu tư.

+ Quy hoạch hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống công viên cây xanh, quảng trường và không gian công cộng gắn kết với nhau và không tách rời với tổ hợp công trình kiến trúc của trường.

- Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan:

+ Phương án tổ chức không gian – kiến trúc – cảnh quan cho khu quảng trường trung tâm.

+ Có giải pháp hiệu quả kết nối về không gian kiến trúc cảnh quan với các phân khu chức năng.

+ Hình thành các trục cảnh quan đô thị, quảng trường, các không gian công cộng ấn tượng, hiện đại và tương tác tốt với cộng đồng dân cư.

- Giao thông - kết nối:

+ Tính toán quy mô và tổ chức chỗ để xe hiệu quả và hợp lý, phân luồng lưu thông đảm bảo an toàn và an ninh cho giao thông tiếp cận các công trình. Đảm bảo chỗ đỗ xe theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

+ Đảm bảo giao thông ra vào công trình an toàn và thông suốt, không bị tắc nghẽn, có diện tích tập kết người và xe trước các công trình.

+ Đáp ứng yêu cầu kết nối trong tổ chức giao thông (đối nội và đối ngoại), không gian cảnh quan cũng như hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực.

6.2. Về thiết kế phương án kiến trúc khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai

- Sáng tạo - Thẩm mỹ:

+ Phương án kiến trúc các công trình cần mang tính biểu tượng cao, hiện đại, thẩm mỹ và độc đáo, thể hiện đặc trưng riêng của tỉnh Đồng Nai, đồng thời tạo điểm nhấn về không gian cho khu vực. Vận dụng linh hoạt các quy định hiện hành trong quá trình thực hiện đề đề xuất giải pháp thiết kế phù hợp.

+ Phương án thiết kế kiến trúc các công trình sử dụng các vật liệu hiện đại, có giá trị bền vững theo thời gian. Màu sắc, vật liệu và chi tiết kiến trúc hướng đến tiêu chí hiện đại, thẩm mỹ, tạo điểm nhấn mang tính biểu tượng cho khu vực và hài hòa không gian cảnh quan của toàn khu vực.

+ Thiết kế nội thất cho các không gian trong công trình cần thoáng đãng, tiện nghi và thân thiện môi trường, phù hợp với nhiệm vụ và chức năng đặc thù của từng công trình.

- Công năng:

+ Các công trình trong các phân khu chức năng cần thống nhất với tổng thể chung của phương án ý tưởng “quy hoạch chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại – dịch vụ tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai".

+ Đối với từng hạn mục công trình, cần tổ chức dây chuyền và không gian sử dụng phù hợp. Phát huy tầm nhìn về phía không gian cảnh quan đặc thù, tạo thêm giá trị sử dụng cũng như nâng cao hình ảnh của khu Trung tâm hành chính – chính trị tỉnh.

- Kinh tế - Kỹ thuật

+ Kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật công trình và hệ thống kỹ thuật khu vực.

+ Hệ thống kỹ thuật hợp lý, tiết kiệm và thuận tiện bảo trì, sửa chữa.

+ Trang thiết bị hiện đại, đảm bảo việc vận hành các thiết bị trong tòa nhà nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và chi phí vận hành.

+ Đảm bảo quy định về Phòng cháy chữa cháy và quản lý môi trường theo yêu cầu của cơ quan chuyên ngành, tuân thủ Tiêu chuẩn, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành.

+ Phương án thiết kế kiến trúc có tính khả thi cao, đạt điều kiện triển khai các bước tiếp theo nhằm xây dựng trường đạt chuẩn quốc tế.

+ Khuyến khích áp dụng các tiêu chí Công trình Xanh. Đề xuất giải pháp thiết kế thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng để khai thác cảnh quan khu vực và góp phần làm tăng giá trị công trình, đem lại hiệu quả kinh tế về lâu dài.

6.3. Phân kỳ xây dựng: Đề xuất giải pháp Phân đợt xây dựng đáp ứng Quy mô và Tổng mức đầu tư dự án.

Trên đây là thông tin sơ bộ nhằm mục đích giới thiệu về cuộc thi. Sau khi Nhiệm vụ thiết kế được UBND tỉnh Đồng Nai chính thức phê duyệt, Sở Xây dựng sẽ đăng tải thông báo mời thi tuyển chính thức, bao gồm Quy chế thi tuyển chi tiết, yêu cầu về hồ sơ dự thi và các thông tin liên quan khác.

Sở Xây dựng kính mời các đơn vị tư vấn quan tâm thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin tại Trang thông tin điện tử chính thức của Sở.

Trân trọng thông báo./.

 


Phan Thị Ngọc Ánh

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông NGUYỄN ANH TUẤN - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Trấn Biên  tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​