Để sớm hiện thực hoá các mục tiêu đã đề ra và huy động các sáng kiến đóng góp cho lộ trình phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì cùng Bộ TT&TT, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Diễn đàn quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I ngày 14/9 tại TP. Nam Định.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cho biết: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030.
Gần đây nhất, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030" cũng đã coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững.
Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai tại trung ương và địa phương được thực hiện khá đồng bộ. Quốc hội, Chính phủ đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt chủ trương đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định: Dù đạt kết quả rất tích cực, nhưng thực tiễn phát triển kinh tế số, xã hội số thời gian qua vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số là đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP. Đây là mục tiêu cao và rất thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần có cách tiếp cận và giải pháp đột phá để thực hiện. Vì vậy, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm mà ngành TT&TT và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần lưu ý quan tâm triển khai trong thời gian tới.
Toàn cảnh diễn đàn
Một là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, từ đó tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết. Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định ưu tiên đầu tư cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước; có lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách Nhà nước tính trên GDP cho nghiên cứu và phát triển, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, tiệm cận tỉ lệ bình quân chung của các nước thuộc khối OECD.
Ba là, công nghiệp công nghệ số đã được xác định trong Nghị quyết 29-NQ/TW trở thành 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng. Các doanh nghiệp công nghệ dù là phát triển công nghệ, sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như một dịch vụ đều là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội, góp phần triển khai và thực hiện chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam (Make in Vietnam). Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng "Make in Việt Nam"; đồng thời, các doanh nghiệp phải biến công nghệ số thành động lực quan trọng cho sáng tạo, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh...
Bốn là, về cơ sở dữ liệu quốc gia, đây là nguồn tài nguyên mới, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đang là công nghệ nền tảng quan trọng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức, doanh nghiệp, tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tìm ra không gian phát triển mới ở các lĩnh vực này...
Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Nhanh chóng triển khai mô hình giáo dục đại học số; đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.
Sáu là, xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Bộ TT&TT cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả việc phổ cập 8 yếu tố cơ bản của xã hội số: Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng. Mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính điện tử, một chữ ký số cá nhân, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản và có kỹ năng số ở mức cơ bản.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT được Chính phủ giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Theo ước tính, tỉ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 15%.
"Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược đã đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần so với tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20-25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định.
Lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một chặng đường dài. Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới.
Để phát triển kinh tế số Việt Nam thì cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số và niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trình bày về: Kinh nghiệm trong phát triển kinh tế số và xã hội số: Khuyến nghị hành động cho Việt Nam; kinh nghiệm trong phát triển dữ liệu số: Khuyến nghị hành động cho Việt Nam; thời điểm vàng để doanh nghiệp tạo đà bứt phá nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn; giới thiệu kinh nghiệm và giải pháp kho dữ liệu để triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu và cổng dữ liệu mở cho địa phương...