Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Những tồn tại trong việc lập, thẩm tra thiết kế các công trình hạ tầng đô thị sử dụng vốn đầu tư công

Trong thời gian vừa qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng thường xuyên được rà soát, điều chỉnh, theo đó vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn được chú trọng tăng cường, tạo sự chủ động hơn trong công tác quản lý chất lượng hồ sơ thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định như: (1) Một số chủ thể tham gia hoạt động xây dựng chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; một số chủ đầu tư chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến công tác lập hồ sơ thiết kế; (2) Thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở bị kéo dài do phải qua 02 đơn vị thẩm định (trước đây chỉ do 01 đơn vị thẩm định); (3) Bước khảo sát xây dựng chưa đảm bảo cho phương án thiết kế dẫn đến thiết kế và dự toán xây dựng phải chỉnh sửa nhiều lần; (4) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo các tuyến đường giao thông chưa được chú trọng dẫn đến thiếu đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa và chưa dự báo được khả năng tiếp nhận từ các khu vực khác; (5) Giải pháp thiết kế còn lãng phí, thiết kế chưa bám sát quy hoạch xây dựng; (6) Dự kiến tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư không sát thực, đặc biệt là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng làm cho đăng ký vốn không hợp lý; (7) Năng lực của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa quan tâm củng cố, kiện toàn…

Phòng QLHTĐT nhận thấy những tồn tại nêu trên chủ yếu do một số nguyên nhân chính yếu sau:

(1) Công tác lựa chọn nhà thầu ở một số nơi còn bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh kiệm làm cho hồ sơ thiết kế không đảm bảo chất lượng, phải chỉnh sửa nhiều lần.

(2) Còn nhiều đơn vị thiết kế chưa đảm bảo năng lực trong lĩnh vực thiết kế hệ thống PCCC, đường dây và trạm biến áp.

(3) Một số đơn vị tư vấn lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công mới thiên về tính an toàn mà chưa chú trọng tới hiệu quả kinh tế nên nhiều công trình có phương án thiết kế lãng phí. Còn có những dự án tư vấn thiết kế không khảo sát kỹ hiện trạng nên thiết kế chưa phù hợp với địa hình hiện hữu.

(4) Vẫn còn khá nhiều đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra thiết kế chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, thậm chí có những đơn vị lập hồ sơ rất sơ sài, có hiện tượng sao chép các dự án khác, đặc biệt xảy ra ở các đơn vị tư vấn thẩm tra. Dẫn đến nhiều hồ sơ thiết kế, dự toán sai xót rất nhiều nhưng đơn vị tư vấn thẩm tra vẫn thống nhất xuất kết quả thẩm tra; nhiều dự án thiết kế không phù hợp với chủ trương đầu tư nhưng không được phát hiện chỉnh sửa sớm.

(7) Một số đơn vị tư vấn và chủ đầu tư không cập nhật kịp thời các Quy chuẩn, tiêu chuẩn và các văn bản quy phạm pháp luật mới dẫn đến phải làm đi làm lại nhiều lần, tốn thời gian và lãng phí xã hội; đặc biệt trong những năm gần đây chế độ chính sách về quản lý chi phí thay đổi thường xuyên (như: phương pháp lập dự toán, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, đơn giá ca máy và thiết bị thi công…) nhưng các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư không nắm kịp thời, còn áp dụng theo quy định cũ nhiều, một số trường hợp chủ đầu tư duyệt phát sinh tuy chưa vượt tổng mức đầu tư nhưng đã vượt tổng dự toán mà chủ đầu tư vẫn tự duyệt, không trình người quyết định đầu tư chấp thuận trước khi phê duyệt.

(8) Các chủ đầu tư chưa kiểm soát kỹ chất lượng hồ sơ dự toán dẫn đến dự toán bị tính thừa, tính thiếu khối lượng, sai định mức và áp giá không phù hợp với mặt bằng chung tại khu vực. Một số chủ đầu tư nộp hồ sơ thiết kế ngay sau khi nhận được kết quả thiết kế, thẩm tra, thể hiện thiếu sự kiểm soát chất lượng hồ sơ trước khi trình thẩm định, phê duyệt.

(9) Ở một số dự án cho thấy việc phân chia gói thầu chưa thực sự đồng bộ về kỹ thuật, đặc biệt là các gói thầu thi công hạ tầng kỹ thuật nên cùng một phạm vi có nhiều nhà thầu thi công (điện, nước, viễn thông…) dẫn đến không phối hợp tốt trong quá trình thi công, trùng lắp khối lượng đào đắp, làm phát sinh nhiều khối lượng không hợp lý, tăng thời gian thi công, lãng phí vốn đầu tư.

(10) Các đơn vị tư vấn khi lập, thẩm tra dự toán xây dựng vẫn còn sử dụng nhiều công tác thủ công mà không sử dụng cơ giới; lựa chọn các mã hiệu định mức không sát với phương pháp thi công phổ biến trên thị trường làm tăng chi phí đầu tư rất lớn.

(11) Khi đề xuất chủ trương đầu tư thường có xu hướng dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư cao lên do tâm lý sợ thiếu vốn để thực hiện dự án dẫn đến gián tiếp làm tăng chi phí chuẩn bị đầu tư, phần nào cũng làm lãng phí vốn đầu tư.

(12) Nhiều đơn vị tư vấn lập tổng mức đầu tư còn dự kiến chi phí theo kinh nghiệm hoặc cảm tính mà không lập theo đúng phương pháp xác định tổng mức đầu tư (đặc biệt là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí mua sắm thiết bị), dẫn đến tổng mức đầu tư không sát với thực tế.

Từ những tồn tại và nguyên nhân trên, Phòng QLHTĐT xin đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng hồ sơ thiết kế các công trình hạ tầng đô thị sử dụng vốn đầu tư công như sau:

- Thứ nhất, các đơn vị lập, thẩm định chủ trương đầu tư cần nghiên cứu kỹ quy mô đầu tư, đối với các đường đô thị hoặc đã có quy hoạch đô thị thì phải đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, viễn thông; các tuyến đường chưa có kinh phí để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì phải tính toán đến việc bố trí quỹ đất, phạm vi chờ cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật để tăng tính thẩm mỹ, đảm bảo việc nâng cấp, mở rộng đường trong tương lai và giảm thiểu chi phí bồi thường gia tăng trong tương lai.

- Thứ hai, các Chủ đầu tư phải chú trọng hơn nữa trong việc lựa chọn nhà thầu để lựa chọn được các đơn vị tư vấn lập báo cáo NCKT, thiết kế, thẩm tra thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm theo quy định hiện hành. Phải ràng buộc kỹ trách nhiệm của các đơn vị tư vấn để có biện pháp xử lý cho phù hợp khi thiết kế nhiều lần không đảm bảo chất lượng; Phải rà soát kỹ quy hoạch xây dựng về hướng tuyến, mặt cắt ngang đầu tư và cao độ nền khi lập các dự án đường giao thông, cấp thoát nước.

- Thứ ba, cải tiến phương pháp kiểm soát chi phí trong quá trình lập tổng mức đầu tư và dự toán xây dựng; khi lập xong dự toán phải có sự so sánh đơn giá xây dựng, giá vật tư với các công trình tương tự mới thực hiện để có sự tương đồng và kịp thời phát hiện các công việc có giá trị chênh lệch bất thường; Những vấn đề phát sinh trong quá trình thi công cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, chỉ phát sinh những công việc thực sự cần thiết, tăng tính khả thi cho dự án, tránh trường hợp phát sinh chỉ nhằm mục đích sử dụng hết chi phí dự phòng.

- Thứ tư, công tác quản lý chất lượng trong quá trình thi công cũng hết sức quan trọng, các đơn vị thi công, giám sát thi công phải nâng cao trách nhiệm, kịp thời phát hiện các sai xót trong thiết kế để kiến nghị chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh kịp thời.

- Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các DAĐT công.

- Thứ sáu, kiến nghị các Bộ ngành Trung ương khi có các quy định mới thì sớm ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn, tránh ban hành chậm, ban hành chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành các quy định dễ có các cách hiểu khác nhau./.

Tác giả: Mỵ Duy Quang​

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​