Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Phát triển đô thị là động lực phát triển của toàn vùng

Trong quá trình phát triển, đô thị là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đối với vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, việc phát triển đô thị càng đóng vai trò lớn hơn trong việc tạo ra động lực tăng trưởng mới.

TP.Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai là thành phố trực thuộc tỉnh có quy mô dân số lớn nhất cả nước hiện nay. Ảnh: P.Tùng 

TP.Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai là thành phố trực thuộc tỉnh có quy mô dân số lớn nhất cả nước hiện nay. Ảnh: P.Tùng

* Vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước

Vùng Đông Nam bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước.

 

Với vị thế vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, vùng Đông Nam bộ cũng có hệ thống đô thị phát triển bậc nhất; trong đó, TP.HCM đóng vai trò là đô thị trung tâm, đô thị lớn nhất vùng và của cả nước.

 

Những năm qua, vùng Đông Nam bộ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị của cả vùng.

 

Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và xúc tiến đầu tư vùng được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tháng 11-2022, Bộ trưởng Xây dựng NGUYỄN THANH NGHỊ cho biết, vùng Đông Nam bộ đến năm 2025 dự kiến có thêm 10 đô thị, đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị và nhiều đô thị tiếp tục hoàn thiện chất lượng để nâng loại đô thị trong giai đoạn tới.

 

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 7-10-2022) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào cuối tháng 10-2022, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo thống kê, hiện dân số toàn vùng Đông Nam bộ khoảng 18,3 triệu người, chiếm 22% dân số cả nước, trong đó có tới 14,9 triệu người ở khu vực đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa hơn 67%, cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và cao hơn nhiều tỷ lệ đô thị hóa bình quân chung cả nước năm 2022 là 41%. “Hệ thống đô thị vùng Đông Nam bộ đã được phát triển và phân bố tương đối hợp lý, đang từng bước hình thành sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trong vùng” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.

 

Không chỉ là vùng đạt tỷ lệ đô thị hóa cao, theo đánh giá, chất lượng đô thị tại vùng Đông Nam bộ về tổng thể đã không ngừng nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị được quan tâm đầu tư hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân đô thị.

 

Đến năm 2021, vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt hơn 98%. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 94%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 95%.

 

* Ưu tiên công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị

 

Dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng quá trình phát triển đô thị của vùng Đông Nam bộ cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức làm hạn chế tiềm năng, thế mạnh và sự phát triển đô thị.

 

Là vùng kinh tế phát triển bậc nhất cả nước nên Đông Nam bộ, đặc biệt là các đô thị lớn của vùng, thu hút rất đông dân cư đến làm ăn, sinh sống. Do đó, vùng Đông Nam bộ có tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh, mật độ dân số đô thị lớn. Chính điều này đã tạo ra sức ép rất lớn cho hạ tầng kỹ thuật và việc giải quyết các vấn đề nhà ở, y tế, giáo dục và an sinh xã hội.

 

Thực tế cho thấy, các đô thị lớn của vùng Đông Nam bộ như: TP.HCM, Biên Hòa… hiện nay đều đang đối mặt với rất nhiều hệ quả của việc đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội lại chưa theo kịp. Tình trạng kẹt xe, ngập nước, thiếu quỹ nhà ở… là những vấn đề “nóng” mà các đô thị trong vùng đang gặp phải.

 

Cùng với đó, các thể chế, chính sách liên kết cũng như hệ thống giải pháp và các hình thức tổ chức quản lý đô thị trên phương diện vùng và liên vùng chưa được quan tâm, nghiên cứu nhiều; chưa xây dựng được chính sách tổng thể về liên kết vùng.

 

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, để thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển đô thị vùng Đông Nam bộ, Bộ Xây dựng xác định cần tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ từ định hướng quy hoạch và phát triển không gian kinh tế đô thị, đến ưu tiên tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở, khai thác lợi thế để phát triển hạ tầng đồng bộ, ứng dụng các giải pháp thông minh đi đôi với nghiên cứu, hoàn thiện thể chế chính sách.

 

Cụ thể, về quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống đô thị, phân vùng chức năng và tổ chức các không gian kinh tế đô thị, phát triển vùng với mô hình tập trung - đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

 

Phát huy vai trò của các vùng đô thị lớn, đô thị lớn, trục hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, hình thành các cực tăng trưởng quốc gia có tính cạnh tranh quốc tế, kết nối thuận lợi với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới.

 

Đồng thời, tập trung đầu tư, hình thành hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và các công trình hạ tầng cấp vùng. Tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng. Đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đầu mối, các dự án cấp nước, xử lý nước, rác thải liên vùng theo quy hoạch vùng. Đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ.

 

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tỉnh xác định cần thiết phải hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang các tuyến đường vành đai 3, 4-TP.HCM, các tuyến đường cao tốc. Vì vậy, trong quá trình xây dựng quy hoạch hiện nay, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch khu vực phát triển đô thị, công nghiệp dọc theo tuyến giao thông này để tạo ra không gian phát triển mới.

 

Tương tự, tại Đồng Nai, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương phải quản lý tốt quy hoạch trên địa bàn. Đặc biệt, phải khẩn trương nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển không gian kinh tế - xã hội mới gắn liền công trình hạ tầng giao thông.

Nguồn: Báo Đồng Nai điện tử​

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​