Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Một số vấn đề hiện nay tại Đồng Nai trong lĩnh vực cấp – thoát nước

Đồng Nai hiện nay với tốc độ đô thị hóa trên 50% với việc phát triển 32 khu công nghiệp, các dự án trọng điểm quốc gia là sự thuận lợi lớn để tỉnh Đồng Nai kết nối các tỉnh khác trong vùng, phát triển KTXH, thu hút nhiều lao động. Đồng Nai đã lập và duyệt Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh từ năm 2014, riêng chuyên ngành quy hoạch thoát nước chưa được lập. Tuy nhiên đô thị hóa nhanh kéo theo nhiều hệ lụy về vấn đề môi trường, nhà ở, HTKT đô thị quá tải , đầu tư không đồng bộ, dẫn đến tình trạng ngập úng - kẹt xe – tai nạn giao thông ngày càng tăng, đạt áp lực giải quyết nhu cầu cung cấp nước sạch cho người dân và nhu cầu giải quyết thoát nước, xử lý nước thải đô thị đặt ra vấn đề cần giải quyết.

12 vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quản lý cấp, thoát nước.

1.  Về quy hoạch.

Đặc thù công trình cấp thoát nước là công trình theo tuyến đi qua nhiều địa bàn (liên huyện), cần tính toán đến lưu lượng, áp lực nước chuyển tải kết nối đến các vùng huyện, do đó cần có quy hoạch chuyên ngành cấp thoát nước nhưng tỉnh Đồng Nai không thể lập riêng đồ án chuyên ngành cấp nước do quy định chỉ lập đồ án riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó tỉnh Đồng Nai đang chờ quy hoạch tỉnh nên ảnh hưởng đến việc triển khai đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước.

2.  Về hình thức đầu tư

          Hệ thống HTKT cấp nước ngoài tuyến ống còn có công trình gắn với sữ dụng đất (đa số thuộc đất công) nên các đơn vị cấp nước khó khăn trong việc đầu tư xây dựng do vướng mắc các quy định hiện nay chưa cụ thể việc xác định hình thức đấu giá hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoạc chỉ định thầu.

3.     Về quy định về điều kiện đầu tư:

         Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất phải “Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật.". Tuy nhiên, các dự án cấp nước là công trình mang tính đặc thù theo tuyến và trải dài qua nhiều khu vực, địa bàn từ đô thị đến nông thôn, do đó có qua nhiều phạm vi chưa có quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2.000 hoặc quy hoạch phân khu nên chưa thể triển khai thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư và tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch.

4. Về thẩm quyền quản lý và tham mưu Lĩnh vực cấp nước

           Hiện chưa thống nhất trong quản lý về lĩnh vực cấp nước, cụ thể: đối với đô thị thì Sở Xây dựng phụ trách, khu vực nông thôn thì Sở NN & PTNT. 

5.     Về phân vùng cấp nước:

Theo quy định tại Nghị định 117:  quy định “… mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước", quy định này vô hình chung tạo ra tính độc quyền, ảnh hưởng đến việc cạnh tranh trong đầu tư cung cấp nước sạch dẫn đến tình trạng người dân muốn được cung cấp nước sạch nhưng tại khu vực chưa có hoặc chậm đầu tư đường ống cấp nước cho người dân.

           Nếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước có phạm vi vùng phục vụ cấp nước quá rộng cho các đơn vị cấp nước sẽ dễ dấn đến tình trạng độc quyền, thiếu cạnh tranh về giá và không phù hợp với quy định của pháp luật về Đầu tư; Nếu không thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thì các đơn vị cấp nước sẽ không chủ động đưa ra kế hoạch và lộ trình đầu tư và sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu cấp nước của tỉnh.

6.  Về kiểm soát giá nước sạch:

Các công trình cấp nước thường được đầu tư trước nhà máy, trạm bơm nước thô, bể chứa, còn các trạm bơm tăng áp và mạng lưới đường ống phân phối thường đầu tư theo lộ trình nhiều năm nên việc xác định tài sản để tính giá nước gặp nhiều khó khăn, phức tạp để có thể tính, đúng tính đủ theo quy định.

7.  Về nguồn vốn đầu tư:

Với đặc thù công trình chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật về cấp thoát nước, đặc biệt là yêu cầu về xử lý nước thải tập trung tại các đô thị phải được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ thu gom nước thải toàn bộ khu vực đô thị, xuyên suốt các hạng mục liên quan trong phạm vi toàn đô thị mới mang lại hiệu quả sử dụng khi hoàn thành với thời gian từ khi chủ trương đầu tư đến quá trình vận hành tương đối lâu dài, chính vì vậy đòi hỏi quá trình xuyên suốt trong nắm bắt, theo dõi và chỉ đạo, mặt khác việc đầu tư các công trình hạ tầng mang tính đặc thù có tổng vốn đầu tư tương đối lớn (bình quân khoảng 100 triệu USD 01 dự án).

Nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp và cần phải phân bổ cho các công trình thiết yếu khác trên toàn tỉnh, nên thời gian qua chưa thể cân đối để cùng lúc đầu tư toàn bộ các công trình cấp, thoát nước, xử lý nước thải đô thị để đạt được các mục tiêu mà chủ yếu tiếp cận, kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhưng thực tế do đặc thù là công trình phục vụ an sinh xã hội, cải thiện môi trường nên khả năng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách là rất khó, không thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.

8.   Về hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất:

Tỉnh Đồng Nai đang thực hiện việc ưu tiên sử dụng nước mặt và hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, ngăn ngừa nguy cơ sụt, lún đất, xâm nhập mặn và các hệ lụy khác có liên quan khi khai thác nước dưới đất quá nhiều. Tuy nhiên, qua rà soát các nội dung của Nghị định 117 chưa lồng ghép các quy định về việc hạn chế khai thác nước dưới và ưu tiên sử dụng nước mặt để cấp nước sinh hoạt. Đồng thời chưa có chính sách ưu tiên cho việc sử dụng nước mặt để cung cấp nước sạch; Ngoài ra, cơ chế chính sách chưa hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị cấp nước đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước sạch. Dẫn đến việc thực hiện chủ trương hạn chế khai thác nước dưới đất còn gặp nhiều khó khăn và chưa đồng bộ.

9.  Việc bàn giao quản lý công trình cấp nước:

Theo Nghị định 43, đối với các công trình cấp nước khu vực đô thị thì đối tượng giao quản lý tài sản cấp nước đô thị chỉ được giao cho 1 trong 3 đơn vị là: (1) Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cấp nước sạch; (2) Doanh nghiệp có vốn nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về sản xuất, kinh doanh nước sạch; (3) Cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch (tức là Sở Xây dựng). Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Đồng Nai chưa có đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cấp nước sạch đô thị, cũng như doanh nghiệp có vốn nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch nên với quy định NĐ43 thì Sở Xây dựng phải tiếp nhận các công trình này, nhưng quy định về nhân sự, chức năng, nhiệm vụ thì hiện nay chưa đáp ứng vấn đề này. Do đó, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh NĐ 43 sao cho phù hợp tình hình thjc tế của địa phương.

10. Về phân loại công trình cấp nước:

Theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ thì công trình thoát nước mưa được nêu cụ thể là tuyến cống thoát nước mưa, cống chung. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước có thể bao gồm cống, mương,…(quy định trong Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 cảu Chính phủ) nên việc quy định cứng công trình thoát nước chỉ là tuyến cống rất khó khi xác định loại công trình. Đề nghị nghiên cứu điều chinhr cho phù hợp và tránh chồng chéo.

11. Về quản lý tải sản công trình cấp nước

- Tài sản cấp nước đi qua cả đô thị và nông thôn thì cơ quan tham mưu quản lý là Sở Xây dựng hay Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hay tách riêng theo phạm vi quản lý (như đường ống cấp nước từ đô thị phục vụ cấp nước nông thôn và ngược lại; nhà nước cấp nước có mục tiêu cấp nước cho cả đô thị và nông thôn…). Việc xác định tài sản cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn sẽ ảnh hưởng tới cơ quan quản lý, đối tượng được giao, hình thức giao…

- Đa số các cơ quan, đơn vị quản lý tài sản cấp nước và các đơn vị cung cấp nước sạch khi thực hiện Nghị định số 43/2022/NĐ-CP đều gặp khó khăn, vướng mắc trong việc rà soát, thống kê, phân loại tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch do Nhà nước đầu tư, quản lý (đối tượng quản lý vận hành tài sản cấp nước; số lượng tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; giá trị của các tài sản cấp nước ban đầu; giá trị còn lại của tài sản cấp nước…).

- Mặt khác, theo quy định trên thì đối với trường hợp không có hồ sơ công trình thì cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan để hoàn thiện hồ sơ với các thông tin chủ yếu gồm: năm đưa vào sử dụng, thời gian sử dụng, giá trị công trình tại thời điểm kiểm tra. Việc này là rất khó khăn để thực hiện, vì đã không có hồ sơ công trình thì không có dữ liệu để xác định các thông tin trên. Mặt khác, việc xác định các thông tin trên là rất khó khăn, cần có đơn vị có kinh nghiệm thực hiện nên cần phải có chi phí để thuê đơn vị tư vấn thực hiện, nhưng Nghị định 43/2022/NĐ-CP không quy định được thuê tư vấn. Ngoài ra, việc báo cáo tài sản hiện có đối với trường hợp báo cáo thiếu hoặc không đúng thì trách nhiệm thế nào chưa được phân định rõ.

12. Về chính sách hỗ trợ

- Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ thì địa phương phải xây dựng chính sách hỗ trợ đấu nối từ nhà dân vào hệ thống thu gom xử lý nước thải và quy định lộ trình, chính sách hỗ trợ xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, thu gom, xử lý nước thải tại chỗ (đối với khu vực không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư tập trung). Tuy nhiên, hiện nay không có quy định mức chuẩn hay quy định cụ thể để xây dựng chính sách hỗ trợ, dẫn đến mỗi địa phương có một phương thức hỗ trợ khác nhau và chi phí hỗ trợ khác nhau.

             - Các quy định hiện nay chưa đề cập chính sách hỗ trợ cho khu vực nông thôn, vì thực tế dù đã có tuyến ống cấp nước máy có thể cấp nước dùng cho người dân, nhưng vì thói quen sử dụng nước giếng nên người dân không mặn mà đăng ký sử dụng nước máy, dẫn đến tỷ lệ sử dụng nước máy còn thấp.

Ba nhóm vấn đề cần nghiên cứu đề xuất-kiến nghị:

  1. Về quy hoạch:

    Cần xem xét sửa đổi theo hướng không nên khống chế chỉ thành phố trực thuộc trung ương mới được lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật độc lập, quy định này gây khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng đồng bộ, mà nên quy định đồng thời phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khi cần thiết vẫn có thể lập riêng làm cơ sở cho việc bố trí danh mục ưu tiên đầu tư, mời gọi đầu tư, dự báo các nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo tốc độ đô thị hóa trong thời gian tới. Các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được lập riêng cho từng loại hình nên sẽ nghiên cứu chuyên sâu hơn, đảm bảo đồng bộ theo từng lĩnh vực trên địa bàn toàn tỉnh, tránh manh mún trong thực hiện quy hoạch.

2 - Về xây dựng thể chế

          - Hiện nay, có quy định chung về tiêu chuẩn thiết kế hệ thống thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó, cần nghiên cứu và đưa nội dung này vào trong quá trình xây dựng Luật cấp thoát nước và quy định rõ việc phân cấp quản lý hệ thống thoát nước.

            - Kiến nghị nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 43/2022/NĐ-CP cho đồng bộ với Luật giá và các tài sản công nói chung và phù hợp thực tiễn để đảm bảo quá trình triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

            - Kiến nghị rà soát lại các quy định điều chỉnh theo hướng nếu đã bắt buộc người dân phải đấu nối vào hệ thống thu gom xử lý nước thải thì không cần lấy ý kiến đồng thuận cao của các hộ dân nằm trong khu vực, phạm vi phải đấu nối của dự án. Việc tuyên truyền, thuyết phục người dân đấu nối là trách nhiệm của địa phương nơi thực hiện dự án; nghiên cứu điều chỉnh nội dung về phân vùng cấp nước cho phù hợp.

         - Kiến nghị sửa đổi các quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các công trình cấp, thoát nước theo hướng chỉ cần phù hợp với quy hoạch xây dựng, không yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 hoặc 1/2.000 hoặc 1/5.000 như hiện nay.

            3 - Về xây dựng cơ chế:

- Cần có cơ chế chính sách cho từng loại nước khai thác, sử dụng để cung cấp nước sạch như: sử dụng nguồn nước mặt thì được giảm thuế và vay vốn được lãi suất ưu đãi, sử dụng nguồn nước dưới đất thì sẽ đánh thuế cao (do không tốn chi phí đầu tư và chi phí xử lý nước) …để ưu tiên khai thác, sử dụng nước mặt và hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất.

- Cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư nước sạch đến các vùng nông thôn. Ban hành các quy định về tính an toàn và liên tục trong quá trình cấp nước sạch.

- Cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là nguồn vốn tư nhân): Có chính sách hỗ trợ cụ thể, phân định rõ giá trị tài sản sau đầu tư đối với các dự án xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước; cách xác định cụ thể đối với từng loại tài sản cấp nước của nhà nước đã bàn giao cho doanh nghiệp cấp nước trước khi Nghị định 43/2022/NĐ-CP có hiệu lực.​


Mỵ Duy Quang

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​