Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nguyên nhân nào Đồng Nai chậm trong nâng cấp, công nhận đô thị

​So với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai đang hội tụ nhiều lợi thế phát triển mà không phải địa phương nào cũng có được như: Sân bay quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển nước sâu, 31 khu công nghiệp và khoảng 8000 ha đất công nghiệp đang trình Chính phủ và mạng lưới đường cao tốc,...  Đây là cơ hội và tiềm năng sẵn có để tỉnh bố trí không gian phát triển kinh tế-xã hội mang tính ổn định và bền vững. Mọi vấn đề về đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng đều hướng tới việc xây dựng đô thị văn minh hơn, diện mạo đô thị ngày một thay đổi hiện đại hơn, chất lượng hơn để người dân sinh sống tại các đô thị đó được hưởng những tiện ích, dịch vụ và môi trường tốt nhất, đẳng cấp xứng tấm với vị thế của Đồng Nai.

Bức tranh kinh tế - xã hội của Đồng Nai được thể hiện bằng những con số chưa thực sự “sáng" khi so sánh những chỉ số phát triển, chỉ số cạnh tranh so với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng Nai chưa tận dụng được các những lợi thế, cơ hội, vẫn đang loay hoay mất nhiều thời gian trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, số lượng các đô thị hạn chế, chất lượng tiện ích độ thị chưa cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi sau các tỉnh bạn.

Đến lúc này, Đồng Nai mới chỉ có 2 thành phố là Biên Hòa và Long Khánh, còn lại là các đô thị nhỏ. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đã phát triển mạnh trong vòng 5 năm qua với 3 thành phố (Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An) và 2 thị xã cũng sẽ sớm lên thành phố trong 1-2 năm tới. Tỉnh Bình Phước với số dân chỉ xấp xỉ 1/2 dân số Đồng Nai đang “theo sát nút" với 1 thành phố và 2 thị xã, đang trong quá trình “nâng hạng". Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 thành phố, 1 thị xã và quá trình xây dựng, nâng cấp đô thị vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Liệt kê số lượng thành phố, thị xã của các địa phương trong vùng để thấy rằng, cùng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu hình thành và phát triển các đô thị xứng tầm (một cách chính danh) là bức thiết. Chỉ khi phát triển đủ, xây dựng và hoàn thành được các bộ tiêu chí thì các đô thị mới được công nhận là thành phố, thị xã theo quy định. Và từ đó, dễ dàng hơn trong việc thu hút các nguồn lực, thiết kế các chính sách… để phát triển.

Nhìn lại quá trình nâng cấp công nhận đô thị của Đồng Nai, dễ dàng nhận thấy những mốc thời gian công nhận đô thị đều rơi vào thời điểm cuối nhiệm kỳ. Cụ thể:

- Mốc năm 2015, Biên Hòa được công nhận đô thị loại 1 (với 8 chỉ tiêu nợ chưa đạt, đến nay sau 8 năm, số chỉ tiêu nợ này chỉ mới khắc phục được 3, còn nợ 5 chỉ tiêu); Long Khánh được công nhận là đô thị loại 3 năm 2015, tuy nhiên phải mất đến 4 năm sau, đến 2019 rơi vào gần cuối nhiệm kỳ sau Long Khánh mới được công nhận là thành phố;

- Mốc năm 2020, một loạt các đô thị được công nhận như: thị trấn Long thành, Trảng Bom là đô thị loại 4; Dầu Giây, Hiệp Phước, Long Giao là đô thị loại 5;

Đồng Nai đi trước nhưng về sau trong nâng cấp, công nhận đô thị. Theo kế hoạch, trong năm 2024, tỉnh sẽ có thêm hàng loạt đô thị là: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch lên loại III; Dầu Giây, Gia Ray, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh An lên loại IV; thành lập 2 thị xã Trảng Bom và Long Thành. Trong số các đô thị đặt mục tiêu về đích năm 2024 chỉ có huyện Trảng Bom là khả quan nhất (đạt điểm tối thiểu 83/75 điểm) theo quy định, nhưng đô thị này vẫn chưa đạt một số tiêu chí, các pháp lý liên quan đến thành lập thị xã như: chương trình phát triển đô thị, quy hoạch phân khu, đề án thành lập thị xã chưa có. Đối với các đô thị còn lại, khả năng khó hoàn thành trong năm nay. Ví dụ, Huyện Long Thành chưa có quy hoạch chung, chưa có chương trình phát triển đô thị cho toàn huyện, nhiều tiêu chí chưa đạt. Tương tự, Huyện Nhơn Trạch đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung lần 3, chưa có chương trình phát triển đô thị, nhiều tiêu chí của đô thị loại III chưa đạt.

Từ những phân tích ở trên cho thấy định hướng phát triển đô thị của tỉnh là đúng nhưng cách làm chưa phù hợp. Chẳng hạn, một số xã được định hướng trở thành đô thị như: Phú Túc, La Ngà (huyện Định Quán), Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu)… thay vì ưu tiên nhiệm vụ lập quy hoạch chung đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị thì địa phương lại lập quy hoạch chung xây dựng xã, như vậy là phải trải qua 2 lần lập quy hoạch.

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa của tỉnh Đồng Nai nhanh nhưng nhiều tiêu chí chưa đạt: Biên Hòa đã là đô thị loại I nhưng nhiều vấn đề tồn tại hạn chế của đô thị đang diễn ra như xây dựng chưa tuân thủ quy hoạch, kênh rạch sông suối bị lấn chiếm, vỉa hè bị chiếm dụng, quảng cáo rao vặt, rác thải, ngập nước, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, thiếu bãi đậu xe, cây xanh và diện tích tiện ích phục vụ sinh hoạt cộng đồng hạn chế, đường dây điện, cáp viễn thông còn thiếu an toàn, gây mất mỹ quan đô thị. Vấn đề của thành phố Biên Hòa là phải thực hiện chỉnh trang để dần tiến đến việc tái thiết lại đô thị.

Vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 23 về chỉnh trang đô thị tại thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các Thị trấn cho giai đoạn từ nay đến 2025 trong đó đặt ra các chỉ tiêu về đô thị “5 không, 5 có" (5 có: có biểu tượng, không gian xanh, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, đường phố thông thoáng - đẹp; 5 không: không dây nhợ, không có rác thải, không có người ăn xin, không bán hàng rong nhếch nhác và không đào bới đường lộn xộn), đặt ra yêu cầu các thành phố và huyện phải có biểu trưng đô thị và 12 vấn đề cụ thể trong chỉnh trang đô thị.

Như vậy, ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chí về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và kiến trúc cảnh quan thì điều kiện tiên quyết là quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu và chương trình phát triển đô thị. Địa phương nào có đủ bộ 3 “chìa khóa vàng" này trước thì khả năng về đích sớm trong phát triển đô thị. Trường hợp không có đủ 3 yếu tố trên, muốn lập thị trấn, thị xã, lập thành phố vẫn rất lâu.

Do đó, Sở Xây dựng cùng các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ “phủ" quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu. Đối với các đô thị ở vùng nông thôn thì “phủ" quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch chi tiết 1/2.000, quy hoạch 1/500 để đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư; Các địa phương chủ động đánh giá, xác định các tiêu chí còn thiếu, còn yếu từ đó xây dựng nghị quyết hoặc chương trình, kế hoạch gắn với lộ trình, tiến độ, nguồn nhân lực, nguồn vốn để đạt và nâng cấp các tiêu chí…

Trước thực tế trên, quy hoạch tỉnh đang trình duyệt, theo đó hệ thống phát triển đô thị đến năm 2030 có sự thay đổi, một số đô thị phải giãn thời gian nâng cấp công nhận từ 2025 đến 2030, một số đô thị mới sẽ được hình thành tập trung tại huyện Thống Nhất - Xuân Lộc - Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu. Từ nay đến 2030 thời gian không còn nhiều, làm tốt công tác quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án để được công nhận và nâng cấp đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân là vấn đề cấp thiết đặt ra.



tên tác giả: Phan Thị Ngọc Ánh

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​