Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chương trình đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước và công trình xử lý nước thải các đô thị từ loại V trở lên

Thực trạng thoát nước mưa hiện nay theo quy hoạch xây dựng thì tất cả các tuyến đường đô thị đều có hệ thống thoát nước mưa nhưng do áp lực vốn đầu tư công nên một số tuyến đường trước đây chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước mưa cùng với đường giao thông. Hiện nay, các hệ thống thoát nước mưa chủ yếu được đầu tư theo các dự án đường giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư và các khu chức năng khác, chưa có các dự án thoát nước mưa đồng bộ theo lưu vực xác định trong quy hoạch nên trình trạng ngập nước khi mưa lớn chưa được giải quyết căn cơ, dứt điểm. Việc đầu tư các dự án thoát nước chỉ mang tính chất manh mún, xử lý tình trạng ngập nước cho từng khu vực, từng điểm ngập cục bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước cần thiết đã được xác định từ quy hoạch xây dựng.

P4-27-5-2024.jpg

So thời điểm 6 tháng đầu năm 2023 có 39 điểm ngập lớn nhỏ trên toàn địa bàn tỉnh thì đến đầu năm 2024 đã khắc phục hết ngập 14 điểm, còn lại 25 điểm, đa số đã có dự án thoát nước chống ngập và đang được triển khai thực hiện.

Tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa nhanh, tạo áp lực cho hệ thống hạ tầng thoát nước hiện hữu; trong khi các dự án thoát nước có giá trị đầu tư rất lớn, tạo áp lực cho ngân sách nhà nước dẫn đến chưa thể thực hiện đồng bộ các hệ thống thoát nước mưa theo lưu vực đã được xác định trong các đồ án quy hoạch xây dựng; mặt khác tình trạng lấn chiếm kênh, mương, sông, suối… vẫn còn; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các dự án nạo vét, mở rộng kênh, mương, sông, suối nên mặc dù hàng năm công tác triển khai, xử lý các điểm ngập có giảm đáng kể nhưng các điểm ngập tiếp tục phát sinh mới nên việc thực hiện chống ngập chưa thể giải quyết một cách căn cơ, triệt để.

Về thoát nước thải: Đối với trong các khu công nghiệp (do Ban Quản lý các khu công nghiệp quản lý) việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải được kiểm soát ngay từ khâu quy hoạch xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án và cấp giấy phép xây dựng nên các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sẽ được xả vào hệ thống thoát nước ngoài hàng rào khu công nghiệp hoặc ra môi trường hoặc sử dụng lại để thực hiện các hoạt động trong khu công nghiệp như tưới cây, hồ điều hòa…

Tại các khu chức năng hiện nay đều được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi đưa ra môi trường hoặc hệ thống thoát nước bên ngoài.

Tại các đô thị hiện nay hệ thống thoát nước thải tuy được đầu tư tách biệt với hệ thống thoát nước mưa nhưng do tỉnh Đồng Nai chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung nên các hệ thống thoát nước thải chưa phát huy được hiệu quả, phần lớn hệ thống thoát nước thải sinh hoạt từ các hộ dân dọc các tuyến đường giao thông sau khi thu gom sẽ lại cho thoát ra môi trường.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện chỉ có 01/11 đô thị (thành phố Biên Hòa) có Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, và đã đi vào hoạt động từ năm 2018 với công suất 3.000 m³/ngày.đêm tại phường Hố Nai thuộc Dự án Trạm xử lý nước thải số 1, thành phố Biên Hòa, giai đoạn 1, công suất 9.500m3/ngày.đêm; tuy nhiên, dự án Tuyến thu gom nước thải từ các hộ dân dẫn về nhà máy để xử lý đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi nên lượng nước đưa về nhà máy để xử lý đang tạm hút thông qua nguồn suối Săn Máu (nằm cạnh nhà máy). Ngoài ra, còn có 07 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; trong giai đoạn dài hạn sẽ tiếp tục rà soát để đầu tư các dự án thu gom và xử lý nước thải theo quy hoạch được duyệt.

Quy hoạch thoát nước (chuyên ngành) và quy hoạch thoát nước trong quy hoạch xây dựng: quy hoạch thoát nước trước đây được lập cho một số địa phương cấp huyện như: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Khánh, Tân Phú, Long Thành. Hiện nay, quy hoạch thoát nước là một phần của đồ án quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung xã, quy hoạch phân khu, quy hoạch chung thành phố…) và đã được rà soát tích hợp vào quy hoạch tỉnh đang thực hiện.

Hiện nay, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (chủ yếu trong các khu dân cư, khu đô thị) là 15%; do 07 dự án thoát nước và xử lý nước thải mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên khó có thể đảm bảo đến năm 2025 đạt được các chỉ tiêu 20% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường và các chỉ tiêu tái sử dụng nước sau xử lý đạt chuẩn cũng như các chỉ tiêu mở rộng phạm vi phục vụ, lượng nước thải được xử lý từ các làng nghề. Tuy nhiên khi các dự án trên đi vào hoạt động (dự kiến trước năm 2030) thì các chỉ tiêu về xử lý nước thải sẽ đảm bảo tỷ lệ tối thiểu.

Chương trình đầu tư đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050:

Đối với các dự án thoát nước và xử lý nước thải: Giai đoạn đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hồ sơ và xin chủ trương đầu tư 12 dự án (trong đó: thành phố Biên Hòa 02 dự án; thành phố Long Khánh 01 dự án; huyện Nhơn Trạch 01 dự án; huyện Long Thành 01 dự án; huyện Trảng Bom 01 dự án; huyện Tân Phú 01 dự án; huyện Xuân Lộc 01 dự án; huyện Vĩnh Cửu 01 dự án; huyện Thống Nhất 01 dự án; huyện Cẩm Mỹ 01 dự án; huyện Định Quán 01 dự án) - Giai đoạn đến năm 2050 tiếp tục rà soát để có kế hoạch đầu tư 14 dự án đảm bảo công suất xử lý theo quy hoạch (trong đó: thành phố Biên Hòa 04 dự án; thành phố Long Khánh 06 dự án; huyện Nhơn Trạch 01 dự án; huyện Long Thành 01 dự án; huyện Trảng Bom 01 dự án; huyện Tân Phú 01 dự án).

Đối với hệ thống thoát nước mưa: - Khi đầu tư các tuyến đường giao thông đô thị sẽ lồng ghép thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước theo quy hoạch. - Đối với các khu vực thường xuyên ngập nước và có nguy cơ ngập nước sẽ đề xuất đầu tư theo khả năng cân đối vốn hàng năm từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và kêu gọi xã hội hóa.

Đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với từng dự án cụ thể nhằm tạo điều kiện để dự án được triển khai có tính khả thi, theo đó kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định số 80/2014/NĐ-CP theo hướng nếu đã bắt buộc người dân phải đấu nối vào hệ thống thu gom xử lý nước thải thì không cần lấy ý kiến đồng thuận cao của các hộ dân nằm trong khu vực, phạm vi phải đấu nối của dự án. Việc tuyên truyền, thuyết phục người dân đấu nối là trách nhiệm của địa phương nơi thực hiện dự án để thuận lợi trong việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thoát nước và xử lý nước thải.

Cần phải xác định các dự án thoát nước và xử lý nước thải là các dự án quan trọng, cần Ưu tiên bố trí vốn đầu tư để từng bước đáp ứng chỉ tiêu môi trường đạt chuẩn đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt. Cần có nhiều ưu đãi, chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư từ nguồn vốn khác. Đối với các dự án Khu đô thị, Khu dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu chức năng có yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường thì phải đầu tư đầy đủ hệ thống thu gom và xử lý nước thải nội bộ theo quy định trước khi đưa ra môi trường.


Tác giả: Vĩnh An

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​