Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Xây dựng tiêu chí và qui trình chứng nhận sản phẩm xanh cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng xanh cho xi măng và sứ vệ sinh.

​    ​Việc sử dụng vật liệu trên toàn cầu hiện nay là gần 60 tỷ tấn mỗi năm tăng 8 lần so với thế kỷ trước và nhu cầu vật liệu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, trong đó 40% vật liệu được sử dụng trong ngành xây dựng. Do vậy cùng với sự tăng trưởng của các công trình xanh, thì việc sử dụng các vật liệu xanh cũng sẽ được thúc đẩy và phát triển bởi sự kết hợp các chính sách pháp luật hỗ trợ, ưu tiên sử dụng các vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng. Đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển sẽ tạo ra tác động tích cực đối với sự tăng trưởng xanh toàn cầu. Việc phát triển các chương trình nhãn xanh cho sản phẩm, vật liệu có mục đích hướng tới việc tăng trưởng sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nhằm kiểm soát quá trình sản xuất và sử dụng vật liệu thông qua việc khuyến khích các hình mẫu sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường đã được đánh giá, chứng nhận. Khuyến khích doanh nghiệp thiết kế sản phẩm, cải tiến công nghệ theo hướng giảm thiểu các tác động có hại tới môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả và bền vững trong suốt vòng đời sản phẩm từ quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, bao gói, vận chuyển, tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm.

1.  Giới thiệu

Công trình xây dựng là một đối tượng sử dụng năng lượng lớn nhất trên toàn thế giới, chiếm hơn 40% tổng năng lượng toàn cầu và chịu trách nhiệm khoảng 30% phát thải của thành phố. Theo cơ quan năng lượng thế giới thì tòa nhà là thành phần có tiềm năng tiết kiệm năng lượng toàn cầu, ước tính đến năm 2035 có thể đóng góp 41% năng lượng tiết kiệm toàn cầu. Chủ yếu là do các công trình xanh sử dụng ít hơn 40% năng lượng và ít hơn 30% nước so với các tòa nhà thông thường có cùng kích cỡ. Ngoài ra, mỗi năm trên thế giới có khoảng 8-10 triệu tòa nhà mới được xây dựng, cho nên nếu mỗi tòa nhà được xây dựng mới này đều thực hiện các biện pháp tiêu thụ ít năng lượng và nước hơn, giảm phát thải CO2, thực hiện cải thiện không khí và có độ bền lâu hơn so với các tòa nhà thông thường, thì chắc chắn sẽ tạo ra các bước đi khổng lồ hướng tới sự phát triển bền vững và mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp hơn cho thế giới;

Tại Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh. Với mục tiêu chung tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đối với ngành xây dựng, kế hoạch về tăng trưởng Xanh đang được soạn thảo, với mục tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 sẽ có đến 50% đô thị lớn và vừa đạt tiêu chuẩn đô thị xanh. Để đạt các nhiệm vụ, mục tiêu của ngành Xây dựng đưa ra trong chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh theo Quyết định 1393/QĐ-TTg, thì trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, kế hoạch hành động của ngành đã xác định mục tiêu cụ thể là điều chỉnh quy hoạch và ứng dụng công nghiệp sạch để đến năm 2020 giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ 8-10% so với năm 2010. Đến năm 2030, mỗi năm giảm phát thải nhà kính từ 1,5-2%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1-1,5%; giá trị sản phẩm công nghiệp Xanh trong GDP chiếm 42-45%; tỷ lệ cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đạt tiêu chuẩn môi trường là 80%. Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tập trung ưu tiên xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất và áp dụng vật liệu xây dựng xanh; quản lý việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thuộc phạm vị điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kinh tế - kỹ thuật về xây dựng xanh, đô thị xanh, công trình xanh, vật liệu xanh. Do đó vấn đề nghiên cứu xây dựng qui trình và tiêu chí chứng nhận nhãn vật liệu xây dựng xanh là vấn đề cấp thiết hiện nay.

2.  Cơ sở khoa học

2.1  Những tác động môi trường của vật liệu xây dựng

Vật liệu xây dựng tác độngg đến cả môi trường và sức khỏe con người, bắt đầu từ công đoạn khai thác nguyên liệu là quá trình phá hủy các hệ sinh thái và môi trường sống nhằm thu giữ vật liệu chủ yếu là các loại tài nguyên không thể tái tạo của trái đất. Trong công đoạn chế biến, sản xuất và chế tạo đó là việc sử dụng năng lượng và phát thải khí thải, nước thải và chất thải. Trong quá trình vận chuyển vật liệu giữa giai đoạn này cũng phải xem xét do phần lớn vật liệu xây dựng là những loại vật liệu cồng kềnh và nặng nề. Giai đoạn sử dụng vật liệu xây dựng là tương đối dài và các hoạt động bảo trì có thể gây tác hại cho môi trường và sức khỏe con người. Sau thời gian sử dụng của vật liệu nếu không thực hiện các biện pháp tái chế, tái sử dụng thì việc xử lý sẽ gây ra tác động bởi việc chôn lấp. Những tác động môi trường chính thức của vật liệu xây dựng được đưa ra trong Bảng 1.

 

 

 

Bảng 1. Tác động môi trường chính đối với vật liệu xây dựng

Tác động môi trường

Mối quan hệ tới vật liệu xây dựng

Biến đổi khí hậu toàn cầu

Phát thải khí nhà kính (GHG) từ việc sử dụng năng lượng, sản xuất vật liệu (Ví dụ: sản xuất xi măng, sắt thép), vận chuyển vật liệu, chôn lấp

Cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch

Việc sử dụng điện và nhiên liệu hóa thạch trực tiếp, nguyên liệu cho ngành nhựa, asphal và chất bịt kín, dung môi, keo

Suy giảm tầng ô zôn

Phát thải khí CFC, HCFC, halon, oxit nitơ (ví dụ: trong các yêu cầu làm mát, làm sạch, sử dụng các hợp chất flo, sản xuất nhôm, sản xuất thép)

Ô nhiễm không khí

Đốt nhiên liệu, khai thác, chế biến nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển, xây dựng và phá dỡ

Khói

Đốt nhiên liệu, khai thác, chế biến nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển, xây dựng và phá dỡ

Axit hóa

Phát thải lưu huỳnh và NOx từ quá  trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, luyện kim, axit thẩm thấu, axit từ nước thải và nước làm sạch mỏ

Phú dưỡng

Phát thải từ quá trình sản xuất chất dinh dưỡng từ nguồn ô nhiễm khuếch tán, phân bón và chất thải

Phá rừng, sa mạc hóa và xói mòn đất

Khai thác rừng, khai thác tài nguyên, khai thác mỏ

Thay đổi môi trường sống

Đất cho khai thác mỏ, khai thác vật liệu. Trồng nguyên liệu sinh học, sản xuất và xử lý phế thải

Mất đa dạng sinh học

Khai thác tài nguyên, sử dụng nước, lắng đọng axit và ô nhiễm nhiệt

Cạn kiệt tài nguyên nước

Sử dụng nước và nước thải trong chế biến và sản xuất

Ngộ độc sinh thái

Chất thải rắn và khí thải từ khai thác mỏ và sản xuất, sử dụng, bảo dưỡng và xử lý vật liệu xây dựng

2.2  Căn cứ xây dựng tiêu chí nhãn Vật liệu xanh

2.2.1    Nguyên tắc xây dựng

Nguyên tắc xây dựng chương trình dán nhãn vật liệu xây dựng Xanh phải đáp ứng theo nguyên tắc của tiêu chuẩn TCVN ISO 14020:2009 (ISO 14020:2000) – Nhãn môi trường và bản công bố môi trường – Nguyên tắc chung. Nhãn vật liệu Xanh dựng xanh là một loại nhãn môi trường cung cấp thông tin về một sản phẩm hoặc dịch vụ có đặc tính môi trường tổng thể, khía cạnh môi trường cụ thể hoặc một số khía cạnh môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ. Khách hàng và khách hàng tiềm năng có thể sử dụng thông tin này trong việc lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ muốn, dựa trên các xem xét về môi trường cũng như sự cân nhắc khác. Nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ kỳ vọng rằng nhãn môi trường và bản công bố môi trường sẽ tác động đến quyết định mua sắm theo sự ưu tiên của khách hàng đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Nếu nhãn môi trường và bản công bố môi trường có tác động như vậy thì thị phần của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể tăng trưởng và các nhà cung cấp khác có thể hưởng ứng bằng việc cải thiện các khía cạnh môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ của mình để tạo ra cho chính họ khả năng sử dụng nhãn môi trường và đưa ra các công bố môi trường, làm giảm được ảnh hưởng bất lợi đến môi trường từ loại sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Nhãn vật liệu xây dựng xanh là một chương trình ghi nhãn loại I, tức là một chương trình tự nguyện, dựa trên các chuẩn cứ của bên thứ ba, được bên thứ ba cấp giấy phép cho sử dụng nhãn môi trường trên sản phẩm, để chỉ ra tính thân thiện với môi trường một cách toàn diện của một sản phẩm trong một chủng loại sản phẩm cụ thể trên cơ sở xem xét vòng đời của sản phẩm đó. Tiêu chí đánh giá hay chuẩn cứ môi trường phải đáp ứng theo nguyên tắc của Tiêu chuẩn TCVN ISO 14024:2005 (ISO 14024:1999) – Nhãn môi trường và công bố môi trường – Ghi nhãn môi trường kiểu I – Nguyên tắc và thủ tục. Với mục tiêu giảm các tác động môi trường, không chỉ giảm các tác động truyền đến môi trường trung gian hoặc các tác động qua các giai đoạn vòng đời của sản phẩm, là đạt kết quả tốt nhất nếu xem xét toàn bộ vòng đời của sản phẩm khi thiết lập các tiêu chí đánh giá của sản phẩm.

2.2.2    Tiêu chuẩn chứng nhận Vật liệu xanh trên thế giới

Hiện nay có nhiều tiêu chuẩn, hệ thống đánh giá, quy định, nhãn, hướng dẫn và các chương trình cấp chứng nhận đã được phát triển để hướng dẫn, quy định trong việc lựa chọn vật liệu và sản phẩm xanh trên thế giới. Những hệ thống này được phát triển bởi các tổ chức phi lợi nhuận, cơ quan chính phủ, các tổ chức lợi nhuận, các nhà sản xuất và các hiệp hội thương mại.

2.2.2.1 Tiêu chí nhãn xanh cho sản phẩm xi măng

Việc sử dụng xi măng cho bê tông có một lịch sử rất dài, ngành công nghiệp sản xuất xi măng bắt đầu vào giữa thế kỷ 19, đầu tiên là lò đứng và sau này được thay thế bằng lò quay là thiết bị tiêu chuẩn trên toàn thế giới. Hiện nay sản xuất xi măng toàn cầu hàng năm đã đạt 2,8 tỷ tấn và dự kiến sẽ tăng lên 4 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2050. Để đạt được sự ổn định nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển ở mức bằng 2 lần mức tiền công nghiệp sẽ phải yêu cầu cắt giảm khí thải mà có thể tới 50% (cho mỗi tấn sản phẩm) vào năm 2050 đối với ngành công nghiệp xi măng. Để hướng tới một nền sản xuất xi măng bền vững hơn trong tương lai, ngành công nghiệp sản xuất xi măng cần thực hiện 6 vấn đề quan trọng sau:

-  Sử dụng tài nguyên: nâng cao hiệu quả sinh thái thông qua việc cải tiến trong khai thác đá, sử dụng năng lượng, nhiên liệu và thu hồi chất thải, tái sử dụng;

-  Bảo vệ khí hậu: am hiểu và quản lý phát thải khí CO2;

-  Giảm phát thải: giảm bụi từ khai thác đá, NOx, SOx và các chất ô nhiễm trong không khí khác từ sản xuất xi măng;

-  Quản lý sinh thái: cải thiện sử dụng đất và thực hiện quản lý cảnh quan;

-  Phúc lợi nhân viên: Quản lý và nâng cao sức khỏe, an toàn và sự hài lòng cho người lao động;

-  Phúc lợi cộng đồng: thực hiện chính sách hiệu quả hơn với các cộng đồng địa phương;

Các tiêu chuẩn chứng nhận nhãn Xanh cho sản phẩm xi măng trên thế giới như EC-42-10 (New Zealand);  Green choice Philippines; Eco cement (Nhật Bản); Nhãn xanh cho sản phẩm xi măng và bê tông của Singapore; Xi măng xanh của Úc bao gồm các chỉ tiêu đánh giá chính như sau:

·     Quá trình khai thác nguyên vật liệu phải có các giấy phép, tuân thủ các quy định pháp luật, có các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường như tiếng ồn, rung, bụi, nước thải, ... Có kế hoạch phục hồi mỏ.

·     Sản phẩm xi măng phải chứa một lượng phụ gia không nung, vật liệu thay thế tối thiểu , sử dụng các sản phẩm phế thải, vật liệu tái chế các sản phẩm phụ của các quá trình công nghiệp như xỉ đồng, xỉ lò cao, tro bay, ...

·     Sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế phù hợp với mục đích sử dụng.

·     Khí thải lò nung phải không được vượt quá các mức giới hạn cho phép tối đa. Lượng phát thải CO2 trên 1 tấn sản phẩm cũng được quy định mức tối đa.

·     Nước thải, phế thải phải đáp ứng các yêu cầu quy định và có kế hoạch quản lý, giám sát hiệu quả để không làm ảnh hưởng đến môi trường.

·     Quy định lượng tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nhiệt cho sản xuất 1 tấn sản phẩm.

·     Sản phẩm không chứa các chất cấm, chất nguy hại, chất gây ung thư theo quy định pháp luật. Sản phẩm không cố tình thêm vào hoặc sử dụng kim loại nặng và các hợp chất của chúng.

·     Bao bì sản phẩm phải sử dụng vật liệu tái chế hoặc có khả năng tái chế hoặc có nguồn gốc từ các nguyên liệu thực vật.

2.2.2.2 Tiêu chí nhãn xanh cho sản phẩm sứ vệ sinh

Tác động môi trường chính của ngành sản xuất sứ vệ sinh là khai thác nguyên vật liệu làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, sử dụng nhiên liệu lò nung góp phần làm nóng lên toàn cầu, độc tính với con người và sự axit hóa, sử dụng nước. Mục đích của các tiêu chí đánh giá sản phẩm sứ vệ sinh là để bảo tồn các nguồn tài nguyên và năng lượng tiêu thụ, để giảm thiểu tác động môi trường qua các tiêu chí đánh giá về quy trình sản xuất và sử dụng vật liệu. Tổng hợp các tiêu chí đánh giá trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn nhãn xanh cho sản phẩm sứ vệ sinh trên thế giới như HJ/T 296-2006 (Trung Quốc); Sản phẩm sứ vệ sinh xanh (Eco mark – Nhậ bản); Sản phẩm sứ vệ sinh xanh của Úc, ... bao gồm các tiêu chí đánh giá sau:

-  Nguyên liệu đầu vào không chứa các hóa chất độc hại, nguy hại, những chất có khả năng gây ung thư. Phụ gia sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu giới hạn về hàm lượng kim loại nặng như Pb, Cd, Sb, ...

-  Quy định lượng tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nhiệt cho sản xuất 1 tấn sản phẩm.

-  Quy định nồng độ tối đa cho phép của bụi và các chất vô cơ trong khí thải. Quy định nồng độ phát thải các khí gây axit hóa như SO2 và NOx phát sinh từ lò nung. Phát thải khí Flo trong quá trình phun men.

-  Nước thải, phế thải phải đáp ứng các yêu cầu quy định và có kế hoạch quản lý, giám sát hiệu quả để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Quy định một số chỉ tiêu nước thải liên quan tới tổng chất rắn lơ lửng, hàm lượng các kim loại Cd, Cr, Fe, Pb.

-  Sản phẩm phải đạt độ an toàn phóng xạ.

-  Quy định mức tái sử dụng nước, tỷ lệ tái chế chất thải rắn.

-  Bao bì sản phẩm phải sử dụng vật liệu tái chế hoặc có khả năng tái chế hoặc có nguồn gốc từ các nguyên liệu thực vật.

3.  Kết quả nghiên cứu

3.1  Tiêu chí dán nhãn Vật liệu xanh cho sản phẩm xi măng

Sản phẩm được đánh giá phải đáp ứng tất cả các yêu cầu tối thiểu của tiêu chí điểm cơ bản để đạt mức “nhãn xanh”. Tiêu chí “điểm thưởng” được trao cho sản phẩm đáp ứng các tiêu chí điểm cơ bản và đạt mức “nhãn đồng”, “nhãn bạc”, “nhãn vàng” và “nhãn bạch kim” khi đạt tổng số điểm tích lũy. Tất cả hồ sơ xét duyệt phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức xin công nhận hoặc người được ủy quyền để chứng minh sự phù hợp với các tiêu chí đánh giá. Tất cả báo cáo chứng nhận, báo cáo thử nghiệm và tài liệu hướng dẫn phải có hiệu lực trong thời gian đánh giá và dán nhãn. Thời gian có hiệu lực đối với tất cả các tài liệu báo cáo là 05 năm kể từ ngày cấp. Các thử nghiệm cần được tiến hành bởi một bên thứ ba hoặc phòng thử nghiệm của nhà sản xuất đã được công nhận tuân theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 17025.

3.1.1    Tiêu chí 1 – Yêu cầu về tuân thủ pháp luật

Đơn vị sản xuất phải tuân thủ những quy định về luật pháp và những quy định liên quan áp dụng trong toàn bộ vòng đời sản phẩm

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ: 15 điểm cơ bản.

3.1.2    Tiêu chí 2 – Yêu cầu về sử dụng phế thải thay thế vật liệu tự nhiên

Nhà sản xuất phải sử dụng vật liệu phế thải thay thế vật liệu tự nhiên: Đối với các sản phẩm xi măng phải chứa tối thiểu 10% và đối với clinker phải chứa tối thiểu 5% (không bao gồm thạch cao) như tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao;

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    5 điểm cơ bản: sử dụng phế thải thay thế từ 10 đến 30% (đối với xi măng) và từ 5% (đối với sản xuất clinker)

+    5 điểm thưởng: sử dụng phế thải thay thế >30%.

3.1.3    Tiêu chí 3 – Yêu cầu về sử dụng nhiên liệu

Nhiên liệu sử dụng trong lò nung phải bao gồm tối thiểu 5% nhiên liệu thay thế tính trên tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm;

Nhà sản xuất phải có chính sách và thực hiện một quy trình chính thức để tăng cường sử dụng nhiên liệu thay thế trong lò nung xi măng;

Nhà sản xuất phải có báo cáo hàng năm về lượng sử dụng nhiên liệu thay thế hàng năm, bao gồm:

Tỷ lệ nhiên liệu thay thế được sử dụng hàng năm.

Kết quả phân tích hóa học đối với các chất ô nhiễm trong các nhiên liệu thay thế hàng năm, bao gồm:

-  Tỷ lệ nhiên liệu thay thế được sử dụng hàng năm.

-  Kết quả phân tích hóa học đối với các chất ô nhiễm trong các nhiên liệu thay thế được sử dụng.

-  Sổ điểm nhận được khi tuân thủ:

+    5 điểm cơ bản: sử dụng nhiên liệu thay thế từ 5 đến 10%

+    5 điểm thưởng: sử dụng nhiên liệu thay thế >10%.

+    5 điểm thưởng: khi sử dụng các công nghệ mới đồng xử lý rác thải, chất thải trong lò nung xi măng;

3.1.4    Tiêu chí 4 – Yêu cầu về sử dụng năng lượng

-  Sản xuất xi măng phải có định mức sử dụng nhiệt lò nung tối đa là 800 kcal/kg clinker.

-  Nhà máy sản xuất xi măng phải có chính sách quản lý năng lượng hiệu quả và các thủ tục thực hiện chương trình quản lý năng lượng.

-  Nhà máy sản xuất xi măng phải báo cáo hàng năng về quản lý năng lượng, bao gồm:

+    Tổng năng lượng sử dựng bao gồm nhiên liệu sử dụng cho các phương tiện giao hàng;

+    Phân tích tổng năng lượng sử dụng cho các loại năng lượng được sử dụng;

+    Năng lượng sử dụng có liên quan đến sản xuất;

+    Các giải pháp sáng kiến nhằm sử dụng năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng;

+    Các giải pháp và sáng kiến nhằm tính toán và giảm phát thải CO2 liên quan tới việc sử dụng năng lượng.

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    5 điểm cơ bản khi đáp ứng tiêu chí này

+    5 điểm thưởng: khi đạt mức sử dụng năng lượng nhiệt lò nung là ≤ 730 Kcal/kg Clinker

+    5 điểm thưởng: khi tiêu hao điện năng ≤ 90 kWh/tấn xi măng (đối với nhà máy sản xuất clinker và xi măng); ≤ 60 kWh/tấn Clinker (đối với nhá máy chỉ sản xuất clinker) và ≤ 30kWh/tấn xi măng (đối với nhà máy sản xuất xi măng từ clinker thương phẩm).

+    5 điểm thưởng: khi đạt chứng nhận hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001.

3.1.5    Tiêu chí 5 – Yêu cầu về khí thải lò nung

-  Khí thải lò nung phải đạt các mức giới hạn được quy định trong QCVN 23:2009/BTNMT và QCVN 41:2011/BTNMT

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    5 điểm cơ bản: khi đáp ứng tiêu chí này.

+    5 điểm thưởng: khi nồng độ bụi phát thải ≤30 mg/Nm3.

+    5 điểm thưởng: khi áp dụng công nghệ tận dụng nhiệt khí thải.

3.1.6    Tiêu chí 6 – Yêu cầu phát thải CO2

-   Quá trình sản xuất xi măng phải có tỷ lệ phát thải tối đa là 800 kg/tấn xi măng. Không tính đến phát thải CO2 gián tiếp, chẳng hạn như từ máy phát điện, phương tiện vận chuyển và phát thải CO2 từ nguồn sinh khối carbon trung tính làm nhiên liệu thay thế

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    5 điểm cơ bản: Khi nhà máy tuân thủ thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

3.1.7    Tiêu chí 7 – Yêu cầu về quản lý môi trường

-  Nhà máy sản xuất xi măng phải có chính sách và thủ tục quản lý chất thải trong toàn bộ quá trình sản xuất;

-  Nhà máy sản xuất xi măng phải báo cáo hàng năm về quản lý chất thải, nước thải bao gồm:

-  Số lượng và loại chất thải thu hồi để tái sử dụng bên trong và bên ngoài nhà máy;

-  Số lượng và loại chất thải tái chế bên trong và bên ngoài nhà máy;

-  Số lượng và loại chất thải chôn lấp;

-  Thông tin về địa điểm xử lý chất thải;

-  Các sáng kiến nhằm giảm phát thải và cải thiện thu hồi/tái chế chất thải

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    5 điểm cơ bản: khi đáp ứng tiêu chí này;

+    5 điểm thưởng khi hệ thống quản lý môi trường đạt chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 còn hiệu lực tại thời điểm đánh giá.

3.1.8    Tiêu chí 8 – Yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm

-  Sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu phù hợp với mục đích sử dụng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia liên quan TCVN 2682 – đối với xi măng portland; TCVN 6260 – đối với xi măng portland hỗn hợp; TCVN 4316 – đối với xi măng portland xỉ lò cao; TCVN 9501 đối với xi măng đa cấu tử và TCVN 9202 – đối với xi măng xây trát và TCVN 7204 đối với clanker.

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    5 điểm cơ bản: khi đáp ứng tiêu chí này;

+    5 điểm thưởng: khi hệ thống quản lý chất lượng đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 còn hiệu lực tại thời điểm đánh giá.

Bảng 2. Yêu cầu về kim loại nặng

Kim loại nặng

% khối lượng men

Chì (Pb)

< 0.5

Cadimi (Cd)

< 0.1

 

Bảng 3. Yêu cầu về phát thải khí

Thông số

Giới hạn yêu cầu (mg/Nm3)

Nitơ oxit, NOx (tính theo NO2)

200

Lưu huỳnh đioxit, SO2

300

3.2  Tiêu chí dán nhãn Vật liệu xanh cho sản phẩm sứ vệ sinh

-  Sản phẩm được đánh giá phải đáp ứng tất cả các yêu cầu tối thiểu của tiêu chí điểm cơ bản để đạt mức “nhãn xanh”. Tiêu chí “điểm thưởng” được trao cho sản phẩm đáp ứng các tiêu chí điểm cơ bản và đạt mức “nhãn đồng”, “nhãn bạc”, “nhãn vàng” và “nhãn bạch kim” khi đạt tổng số điểm tích lũy. Tất cả các hồ sơ xét duyệt phải có xác nhận của giám đốc hoặc người được ủy quyền để chứng minh sự phù hợp với các tiêu chí đánh giá. Tất cả báo cáo chứng nhận, báo cáo thử nghiệm và tài liệu hướng dẫn phải có hiệu lực trong thời gian đánh giá và dán nhãn. Thời gian có hiệu lực đối với tất cả các tài liệu báo cáo là 5 năm kể từ ngày cấp. Các thử nghiệm cần được tiến hành bởi một bên thứ ba hoặc phòng thử nghiệm của nhà sản xuất đã được công nhận tuân theo quy chuẩn TCVN ISO 17025.

3.2.1    Tiêu chí 1 – Yêu cầu về tuân thủ pháp luật

-  Đơn vị sản xuất phải tuân thủ những quy định về luật pháp và những quy định liên quan áp dụng trong toàn bộ vòng đời sản phẩm

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ: 10 điểm cơ bản;

3.2.2    Tiêu chí 2 – Yêu cầu về nguyên liệu

-  Không sử dụng các chất chứa các hóa chất được liệt kê trong danh mục các hóa chất cấm nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng và lưu thông, các hóa chất có khả năng gây ung thư được liệt kê trong danh mục hóa chất thuộc nhóm 1 và nhóm 2A, 2B do IARC quy định

-  Các chất phụ gia được sử dụng trong sản xuất sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu về giới hạn nồng độ tối đa cho phép;

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    10 điểm cơ bản: khi đáp ứng tiêu chí này;

3.2.3    Tiêu chí 3 – Yêu cầu về tiêu thụ năng lượng

-  Việc sản xuất sản phẩm sứ vệ sinh phải có mức sử dụng năng lượng nhiệt tối đa cho nung sản phẩm là 2.200 Kcal/kg sản phẩm. Tiêu hao điện năng tối đá là 0,50 kWh/kg sản phẩm. Nhà sản xuất sứ vệ sinh phải có chính sách quản lý năng lượng hiệu quả. Phải thực hiện báo cáo hàng năm tổng năng lượng sử dụng bao gồm cả nhiên liệu sử dụng; tổng các loại năng lượng sử dụng và năng lượng sử dụng liên quan đến sản xuất. Có đề xuất các sáng kiến thực hiện để giảm thiểu sử dụng năng lượng và nâng cao sử dụng năng lượng hiệu quả.

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    10 điểm cơ bản: khi đáp ứng định mức tiêu thụ năng lượng và nhiệt năng;

+    10 điểm thưởng: khi hệ thống quản lý năng lượng đạt chứng nhận ISO 50001

3.2.4    Tiêu chí 4 – Yêu cầu về phát thải khí

-  Nồng độ tối đa cho phép của bụi và các chất vô cơ trong khí thải phải đáp ứng yêu cầu quy định tại cột B của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ QCVN 19:2009/BTNMT.

-  Trong quá trình sản xuất sản phẩm sứ vệ sinh, hàm lượng phát thải SO2 và NOx phát sinh từ các lò nung không được vượt quá giới hạn yêu cầu.

-  Phát thải Flo tối đa trong quá trình sản xuất sản phẩm sứ vệ sinh là 3 mg/m3;

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    5 điểm cơ bản: khi đáp ứng quy định này;

+    5 điểm thưởng: khi thực hiện các biện pháp công nghệ giảm phát thải NOx và SO2 đạt mức yêu cầu.

+    5 điểm thưởng: khi thực hiện các biện pháp công nghệ giảm phát thải Flo đạt mức yêu cầu.

3.2.5    Tiêu chí 5 – Yêu cầu về an toàn bức xạ

-  Chỉ số hoạt động phóng xạ tự nhiên của đồng vị Kali K40(CK), đồng vị Radi Ra226(CRa) và đồng vị Thori Th232(CTh) sẽ phải thỏa mãn yêu cầu: Hex ≤ 1.3 và Hin ≤ 1.0 trong đó:

-  Hệ số nguy hại bên ngoài: Hex

-  Hex=  +  +

-  Hệ số nguy hại bên trong: Hin

-  Hin =

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    10 điểm cơ bản: khi đạt được mức yêu cầu an toàn bức xạ.

3.2.6    Tiêu chí 6 - Yêu cầu về tính năng tiết kiệm nước

-  Sản phẩm phải được thiết kế để lượng sử dụng nước phải nhỏ hơn hoặc bằng 3L cho một lần xả đối với bồn tiểu; 6L đối với bồn cầu và 9L đối với bệ xổm.

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    10 điểm thưởng: khi đạt yêu cầu của tiêu chí.

3.2.7    Tiêu chí 7 – Yêu cầu về hệ thống quản lý môi trường

-  Các nhà sản xuất các sản phẩm sứ vệ sinh phải có hệ thống quản lý môi trường hiệu quả bao gồm quản lý phát thải, phế thải, rác thải hiệu quả, lưu trữ và quản lý, xử lý các nguyên liệu độc hại và hàng nguy hiểm, quản lý tiếng ồn. Xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo hệ thống tiêu chuẩn ISO 14001.

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    5 điểm cơ bản: khi thực hiện xây dựng hệ thống quản lý môi trường nhằm chứng minh những cam kết của công ty về các vấn đề môi trường nhằm giảm bớt các ảnh hưởng có hại tới môi trường, cung cấp bằng chứng về việc cải tiến liên tục trong quản lý môi trường.

+    5 điểm thưởng: Hệ thống đạt chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 còn hiệu lực tại thời điểm đánh giá.

3.2.8    Tiêu chí 8 – Yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm

-  Sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu phù hợp với mục đích sử dụng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia liên quan TCVN 6073.

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    5 điểm cơ bản: khi sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo các tiêu chuẩn quốc gia liên quan.

+    5 điểm thưởng: khi hệ thống quản lý chất lượng đạt chứng nhận hệ thống theo tiêu chuẩn ISO 9001.

3.2.9    Tiêu chuẩn 9 – Yêu cầu về bao bì sản phẩm

-  Bao bì phải có khả năng tái chế được. Không sử dụng các loại mực, thuốc nhuộm, chất màu và các chất phụ gia khác có chứa chì (Pb), thủy ngân (Hg), cadmium (Cd) và các hợp chất crôm hóa trị 6 (Cr+6) để sản xuất bao bì. Mực in có tổng hàm lượng kim loại nặng không được vượt quá 250 ppm tính trên một đơn vị khối lượng bao bì.

-  Số điểm nhận được khi tuân thủ:

+    10 điểm thưởng: khi đáp ứng các tiêu chí yêu cầu.

4.  Kết luận:

-  Trên cơ sở nghiên cứu tình hình dán nhãn vật liệu, sản phẩm xanh trên thế giới, căn cứ xây dựng chương trình, tiêu chí chứng nhận vật liệu xanh và những nghiên cứu tổng hợp các tiêu chí dán nhãn xanh trên thế giới cũng như chương trình dán nhãn xanh Việt Nam. Đã xác định được các căn cứ để xây dựng đề xuất chương trình, tiêu chí, qui trình chứng nhận nhãn vật liệu xây dựng xanh.

-  Đã có đề xuất hai bộ tiêu chí chứng nhận Vật liệu xây dựng xanh cho sản phẩm xi măng và sứ vệ sinh, có các chỉ tiêu tương đồng với các hệ thống chứng nhận nhãn Xanh trên thế giới. Các mức yêu cầu được xây dựng bao phủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường trong từng ngành cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Các tiêu chí đề xuất đều có khả năng thực hiện, giám sát trong điều kiện thực tế tại Việt Nam.

tin: Đặng Thành Nam

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​