Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý II; Phương hướng, nhiệm vụ Quý III năm 2024

Sáng ngày 12/7/2024, tại Trụ sở Chính phủ và điểm cầu Trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì, đã triển khai Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý II; Phương hướng, nhiệm vụ Quý III năm 2024.

Tại Hội nghị, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có báo cáo đánh giá chung trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế xã hội tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, nhu cầu đi lại tăng, đồng thời tập trung nhiều đợt cao điểm về TTATGT như: dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân, giỗ tổ Hùng Vương và lễ 30/4 - 1/5, đã tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm TTATGT, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương tình hình TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2024 về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông được kéo giảm về số người chết với cùng kỳ năm 2023, cụ thể là giảm 634 người chết (-10,61%), ùn tắc giao thông được kiểm soát tốt và giảm trên 65% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm cũng được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thùng xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản.

Đạt được những kết quả trên là do những nguyên nhân sau:

Một là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT.

Hai là, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công an đã tham mưu và chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân triển khai đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT, trong đó trọng tâm là: Tham mưu hoàn thiện thể chế pháp luật về TTATGT; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm TTATGT; kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều kế hoạch lớn chỉ đạo về công tác bảo đảm TTATGT; triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, TTXH trong các dịp lễ, tết; chủ động nắm tình hình, xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm; kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.

Ba là, ngành Giao thông vận tải đã triển khai quyết liệt các công trình giao thông trọng điểm, đưa vào khai thác nhiều tuyến cao tốc mới góp phần nâng cao an toàn giao thông; tiếp tục quan tâm đổi mới, điều chỉnh kịp thời tổ chức giao thông; chủ động rà soát, phát hiện, đồng thời tiếp thu kiến nghị của lực lượng CSGT, chính quyền địa phương, báo chí và người dân để xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến đường đèo dốc, các đường ngang đường sắt, các trường học dọc theo các tuyến quốc lộ, các vị trí cầu vượt luồng đường thủy có tĩnh không thấp, khẩu độ hạn chế. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải; bảo đảm ATGT đối với phương tiện thủy chở khách, nhất là các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, các tàu cao tốc.

Bốn là, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí đã kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh TNGT trong đợt cao điểm.

Năm là, Các địa phương ngày càng vào cuộc sâu sát và hiệu quả hơn trong công tác bảo đảm TTATGT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (9 vụ), làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội tại Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đăk Lăk và Trà Vinh mỗi địa phương xảy ra 01 vụ. Nguyên nhân ban đầu là do không chấp hành quy định về tốc độ: 01 vụ (chiếm: 11,112); đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định: 02 vụ (chiếm 22,22%); 06 vụ vẫn đang trong quá trình điều tra.

- Số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 15,58% số vụ, tăng 342% số người bị thương).

- Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố.

- Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện, khiến cho hàng hóa bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông tiếp tục diễn ra, điển hình như một số vụ xe container rơi cuộn thép tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

- Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, trên một số quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn có xu hướng diễn biến phức tạp, nguyên nhân là do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao.

- Hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT gia tăng (Xảy ra 78 vụ, làm 27 đồng chí bị thương, tăng 45 vụ so với cùng kỳ năm 2023).

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế:

- Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.

- Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng trong khi công tác quản lý nhà nước tại một số lĩnh vực liên quan tới công tác bảo đảm TTATGT còn bất cập.

- Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế do lực lượng mỏng, ứng dụng KHCN còn hạn chế, một số quy định còn chồng chéo; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm TTATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

- Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen về TNGT trên mạng lưới kết cấu hạ tầng, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về TTATGT dành cho các đoàn thể chính trị xã hội.

Nhiệm vụ trọng tâm trong Quý III năm 2024 cũng đã được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xác định cụ thể và giao trách nhiệm cho từng cơ quan, địa phương thực hiện. Trong đó có giao Bộ Xây dựng thực hiện một số nhiệm vụ:

- Triển khai việc lồng ghép các giải pháp bảo đảm TTATGT trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, đầu tư xây dựng theo quy hoạch, công tác hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.

- Xây dựng, triển khai nhiệm vụ “Tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện quy định của pháp luật về xây dựng trên hành lang an toàn giao thông các tuyến quốc lộ trọng điểm.

Từ nhiệm vụ được phân công, Sở Xây dựng cũng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ quý III năm 2024 là:

- Tiếp tục thực hiện năm an toàn giao thông 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn". Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; Kế hoạch số 275-KH/TU ngày 11/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 27/11/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung về ATGT; tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tới mọi đối tượng, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật hơn nữa của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cũng như người thân trong gia đình khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng gắn với chủ đề Năm an toàn giao thông 2024.

- Tăng cường quản lý công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm khả năng đáp ứng, kết nối giao thông, công trình giao thông tiếp cận…không gây gia tăng ùn tắc, tai nạn giao thông, nhất là khi kết nối trực tiếp ra đường chính đô thị, quốc lộ, đường tỉnh; đảm bảo quy mô, diện tích đỗ xe, không gian vỉa hè, lối đi bộ, chiếu sáng, cây xanh đô thị, cây cảnh trên dải phân cách giữa,...; thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đáp ứng các yêu cầu về ATGT đô thị.

- Kiểm soát việc thiết kế hệ thống an toàn giao thông, tổ chức giao thông, phương án thi công, biện pháp tổ chức đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trong quá trình thẩm định thiết kế các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình đường giao thông trong đô thị. Chú trọng việc xây dựng và bố trí các công trình giao thông đảm bảo an toàn giao thông cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương trong đô thị.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công, cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng các dự án hạ tầng giao thông gắn với duy tu bảo dưỡng, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cũng như xử lý các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

- Phối hợp với các địa phương để theo dõi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình chống ngập, nạo vét khơi thông dòng chảy trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là tại thành phố Biên Hòa.

Tác giả: Duy Quang​


Tác giả: Duy Quang

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​