Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Một số giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.

Có lẽ cụm từ “chậm tiến độ" chưa bao giờ xuất hiện nhiều như hiện nay. Việc các dự án chậm tiến độ, trên thực tế, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, làm lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến sự phát triển, hoàn thiện bộ mặt đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Nhận định tình hình triển khai các dự án trọng điểm, dự án đầu tư công hiện rất chậm, ảnh hưởng đến việc giải ngân, lãnh đạo tỉnh đã kịp thời đôn đốc, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư dự án rà soát, đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số vấn đề là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng các dự án thực hiện không đảm bảo đúng tiến độ phê duyệt; trong đó liên quan đến lĩnh vực xây dựng có thể liệt kê 07 nhóm nguyên nhân chính như sau:

- Một là, Công tác lựa chọn nhà thầu ở một số nơi còn bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh kiệm làm cho hồ sơ thiết kế không đảm bảo chất lượng, phải chỉnh sửa nhiều lần. Vẫn còn khá nhiều đơn vị tư vấn thẩm tra thiết kế chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, thậm chí có những hồ sơ thiết kế, dự toán sai sót rất nhiều nhưng đơn vị tư vấn thẩm tra vẫn thống nhất xuất kết quả thẩm tra; nhiều dự án thiết kế không phù hợp với chủ trương đầu tư nhưng không được phát hiện chỉnh sửa sớm.

- Hai là, Các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi chưa rà soát các quy hoạch trước khi thiết kế dẫn đến nhiều hồ sơ phải thiết kế lại hoặc chờ điều chỉnh quy hoạch mất nhiều thời gian. Khi lập, thẩm định quy hoạch xây dựng, các địa phương chưa kiểm soát kỹ các công trình hạ tầng kỹ thuật khung (Hệ thống giao thông và hệ thống cấp, thoát nước chính; các tuyến đường điện, viễn thông) dẫn đến khi triển khai dự án đầu tư bị vướng về quy hoạch rất nhiều.

- Ba là, Một số đơn vị tư vấn và chủ đầu tư không cập nhật kịp thời các Quy chuẩn, tiêu chuẩn và các văn bản quy phạm pháp luật mới dẫn đến phải làm đi làm lại nhiều lần, tốn thời gian và lãng phí xã hội; đặc biệt trong những năm gần đây chế độ chính sách về quản lý chi phí thay đổi thường xuyên (như: phương pháp lập dự toán, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, đơn giá ca máy và thiết bị thi công…) nhưng các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư không nắm kịp thời, còn áp dụng theo quy định cũ nhiều. Các đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công thường có tâm lý thiết kế dư lực để an toàn mà chưa chú trọng tới hiệu quả kinh tế nên nhiều công trình có phương án thiết kế lãng phí phải chỉnh sửa nhiều lần.

- Bốn là, Các chủ đầu tư chưa kiểm soát kỹ chất lượng hồ sơ dự toán dẫn đến dự toán bị tính thừa, tính thiếu khối lượng, sai định mức và áp giá không phù hợp với mặt bằng chung tại khu vực. Các đơn vị tư vấn khi lập, thẩm tra dự toán xây dựng vẫn còn sử dụng nhiều công tác thủ công mà không sử dụng cơ giới; lựa chọn các mã hiệu định mức không sát với phương pháp thi công phổ biến trên thị trường làm tăng chi phí đầu tư rất lớn.

Hầu hết các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế chưa lập định mức mới cho các công việc không có trong định mức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, còn tạm tính sau đó đi thẩm định giá làm mất nhiều thời gian thực hiện, phát sinh thêm chi phí thẩm định giá và chưa đảm bảo quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

- Năm là, Khi các đơn vị đề xuất chủ trương đầu tư thường có xu hướng dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư cao lên do tâm lý sợ thiếu vốn để thực hiện dự án dẫn đến gián tiếp làm tăng chi phí chuẩn bị đầu tư, phần nào cũng làm lãng phí vốn đầu tư. Đối với các công trình theo tuyến qua khu vực đông dân cư thường đề xuất chia thành nhiều giai đoạn đầu tư do sợ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến thiếu đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

- Sáu là, Một số chủ đầu tư chưa phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; chưa thực hiện đồng thời một số thủ tục như: thẩm định thiết kế, thẩm duyệt PCCC, bảo vệ môi trường, thỏa thuận đấu nối… nên mất nhiều thời gian trong bước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.

- Bảy là, Công tác đánh giá thực trạng và dự báo tầm nhìn chưa tốt, chất lượng lập đồ án quy hoạch chưa cao; Việc lấy ý kiến cộng đồng về lập, điều chỉnh nội dung quy hoạch đô thị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức; Sự phối hợp chưa đồng bộ và hiệu quả giữa các đơn vị liên quan trong quá trình lập, thẩm định hồ sơ, các nội dung góp ý còn chung chung, chưa thực sự đóng góp cho chất lượng đồ án quy hoạch.

 

                  

gaio thong.jpg
giao thong 2.jpg

Ảnh minh hoạ đường giao thông chưa đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch.

Từ những tồn tại và nguyên nhân trên, để góp phần nâng cao chất lượng thẩm định dự án, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình; xử lý những vướng mắc về sự thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

- Thứ nhất, Cần tập trung chấn chỉnh công tác quản lý, lựa chọn nhà thầu, loại trừ những nhà thầu thiếu năng lực, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng và chậm trễ tiến độ thi công. Chú trọng việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm. Phải ràng buộc kỹ trách nhiệm của các đơn vị tư vấn để có biện pháp xử lý cho phù hợp khi thiết kế, thẩm tra nhiều lần không đảm bảo chất lượng.

- Thứ hai, kiểm soát kỹ công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị như:

+ Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị và cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, hoàn chỉnh hệ thống các cấp độ quy hoạch đảm bảo điều kiện lập dự án đầu tư.

+ Nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị dựa trên các nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân. Quy hoạch chung đô thị bảo đảm tính định hướng cao trong chiến lược xây dựng phát triển và quản lý đô thị. Quy hoạch phân khu làm rõ phân khu chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất, danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên đầu tư. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung phải được xác định chuẩn ngay từ quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chung xã làm cơ sở triển khai dự án đầu tư.

+ Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các địa phương trong công tác phối hợp tổ chức lấy ý kiến thẩm định đảm bảo chất lượng thẩm định, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác; Nâng cao chất lượng quy hoạch, dựa trên các nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân, phản biện của xã hội, tranh thủ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tổ chức hội nghề nghiệp liên quan.

+ Các địa phương phải chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và các cấp độ quy hoạch xây dựng.

+ Các chủ đầu tư phải rà soát kỹ sự phù hợp với các quy hoạch ngay từ chủ trương đầu tư; các dự án đường giao thông, cấp thoát nước phải rà soát kỹ quy hoạch xây dựng về hướng tuyến, mặt cắt ngang đầu tư và cao độ nền ngay từ bước chủ trương đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi, tránh trường hợp như thời gian qua nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại không triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi được do không phù hợp với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.

- Thứ ba, Cần cải tiến phương pháp kiểm soát chi phí trong quá trình lập tổng mức đầu tư và dự toán xây dựng; khi lập xong dự toán phải có sự so sánh đơn giá xây dựng, giá vật tư với các công trình tương tự mới thực hiện để có sự tương đồng và kịp thời phát hiện các công việc có giá trị chênh lệch bất thường; Những vấn đề phát sinh trong quá trình thi công cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, chỉ phát sinh những công việc thực sự cần thiết, tăng tính khả thi cho dự án, tránh trường hợp phát sinh chỉ nhằm mục đích sử dụng hết chi phí dự phòng.

- Thứ tư, các đơn vị lập, thẩm định chủ trương đầu tư cần nghiên cứu, tính toán kỹ quy mô đầu tư, tổng vốn đầu tư, đối với các đường đô thị hoặc đã có định hướng lên đô thị thì phải đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, viễn thông; các tuyến đường chưa có kinh phí để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì phải tính toán đến việc bố trí quỹ đất, phạm vi chờ cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật để tăng tính thẩm mỹ, đảm bảo việc nâng cấp, mở rộng đường trong tương lai và giảm thiểu chi phí bồi thường gia tăng trong tương lai.

- Thứ năm, công tác quản lý chất lượng trong quá trình thi công cũng hết sức quan trọng, các đơn vị thi công, giám sát thi công phải nâng cao trách nhiệm, kịp thời phát hiện các sai sót trong thiết kế để kiến nghị chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh kịp thời, không mất nhiều thời gian điều chỉnh dự án, thiết kế xây dựng.

- Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các Dự án đầu tư công. Đặc biệt là công tác lập, thẩm tra thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi giữa các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan thẩm định, các cơ quan góp ý kiến và địa phương để kịp thời chỉnh sửa hồ sơ và tạo sự thuận giữa các ngành.


 

 


Trần Duy Tiến

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​