Sáng ngày 01/10/2024, Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến để nghe báo cáo hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh do Đồng chí Trần Hồng Hà - Phó Thủ tường Chính phủ Chủ trì.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo hội nghị
Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tóm tắt các nội dung liên quan đến hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Dự án xây dựng đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 207km (Bà Rịa - Vũng Tàu: 18,23km; Đồng Nai: 45,54km; Bình Dương: 47,45km; thành phố Hồ Chí Minh: 17,3km; Long An: 78,23km). Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt. Quy mô mặt cắt ngang 04 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến (bề rộng 3,0km). Đầu tư xây dựng đường song hành, đường dân sinh hai bên tuyến theo nhu cầu giao thông từng đoạn, từng địa phương (đoạn đi qua khu đô thị, khu dân cư…).
Phương thức đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 128,063 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia 70,709 ngàn tỷ đồng, vốn huy động nhà đầu tư 57,354 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các địa phương đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ 39,827 ngàn tỷ đồng; ngân sách địa phương đóng góp là 30,882 ngàn tỷ đồng. Dự kiến phân bổ vốn giai đoạn 2021-2025 khoảng 15,843 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 54,867 ngàn tỷ đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 10 cơ chế chính sách đăc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, gồm:
(1) Được sử dụng Ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án; được sử dụng Ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương;
(2) Cho phép.tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án;
(3) Cho phép các địa phương phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
(4) Cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4 của từng địa phương chuyển tiếp Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn gia đoạn sau của từng địa phương (quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công 2019);
(5) Cho phép thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh các đồ án quy hoạch có liên quan trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định;
(6) Giao Ủy ban nhân dân các địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương) làm cơ quan có thấm quyền để tổ chức thực hiện đầu tư các dự án thành phần của đường Vành đai 4 Thành phố Hà Chí Minh (thuộc địa phận của từng địa phương);
(7) Trình tự, thù tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (đoạn trên địa bàn tỉnh Long An);
(8) Cơ chế chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
(9) Cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường;
(10) Cơ chế quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.
Liên quan đến Dự án đường Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Đồng Nai, ngày 18/6/2024, Sở Xây dựng đã tổ chức buổi làm viêc với các địa phương cấp huyện có tuyến đường đi qua và Công ty Cổ phần Tập đoàn MikGroup Việt Nam, cùng đơn vị tư vấn thiết kế Tổng công ty TVTK GTVT-CTCP (TEDI) để rà soát quy hoạch và trao đổi một số nội dung khác có liên quan đến dự án. Tại cuộc họp và sau cuộc họp các địa phương đã có một số kiến nghị gửi Sở Xây dựng tổng hợp, gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn MikGroup Việt Nam để nghiên cứu điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho phù hợp.
Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đã đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn MikGroup Việt Nam và đơn vị tư vấn Tổng công ty TVTK GTVT-CTCP (TEDI) rà soát ranh dự án, lưu ý đến việc chân taluy không vượt khỏi ranh quy hoạch, các trụ điện nằm trong ranh giải phóng mặt bằng, các hệ thống hạ tầng khác về cấp, thoát nước,... Trường hợp, không thể nắn chỉnh tuyến cho phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt thì báo cáo Sở Xây dựng để tổng hợp hướng dẫn các địa phương thực hiện điều chỉnh quy hoạch; đối với việc có 02 trụ điện nằm trong ranh dự án, đề xuất di dời, thì đề nghị Sở Công Thương làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn MikGroup Việt Nam để có giải pháp thực hiện.