Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Hướng dẫn các nội dung liên quan việc xây dựng, lắp đặt các Trạm sạc xe điện

Thời gian qua, Sở Xây dựng nhận được nhiều đề nghị hướng dẫn việc xây dựng trạm sạc xe điện. Để thống nhất chung trong thực hiện, Sở Xây dựng có ý kiến liên quan như sau:

Trạm sạc xe điện:

Xe điện là xu thế chung đang phát triển mạnh mẽ, hiện nay nhiều trạm sạc xe điện được lắp đặt tại các toà nhà chung cư, trung tâm thương mại, cây xăng… Trạm sạc xe điện được thiết kế thường dưới dạng tủ đứng, thiết bị lắp đặt trên bệ, cung cấp dòng điện một chiều để sạc trực tiếp cho các loại pin xe ô tô, mỗi trụ sạc thường có 02 cổng sạc. Chính phủ hiện đang ưu tiên việc đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc điện nhằm thúc đẩy chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện. 

Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường- Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn trên cổng thông tin điện tử chính phủ như sau:

- Trạm sạc điện là công trình điện lực và chịu sự điều tiết của pháp luật về điện lực. Theo quy định của Luật Điện lực, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện; UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương.

- Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, nội dung Quyết định giao Bộ Công Thương chủ trì phát triển hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông.

Qua nghiên cứu, Sở Xây dựng được biết một số tỉnh thành đã phê duyệt Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện gắn với Đề án xây dựng thành phố thông minh (như thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 124/QĐ-UBND ngày 14/01/2021).

UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 5490/UBND-KTN ngày 2/6/2023 giao Sở Công Thương chủ trì, phối  hợp vớicác Sở, Ban ngành, địa phương cùng các đơn vị có liên quan rà soát các quy định pháp lý liên quan, thống nhất ý kiến, tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thúc đẩy người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng xe ô tô điện, xe mô tô điện, xe gắn máy điện để thực hiện các biện pháp E24, E25 theo quy định. Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương chủ trì nghiên cứu các địa điểm khả thi và phù hợp để xây dựng Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để hình thành được mạng lưới hạ tầng trạm sạc nhằm đẩy mạnh việc sử dụng xe điện trong thời gian tới.

Công an tỉnh Đồng Nai hướng dẫn trên trang thông tin điện tử của Công an tỉnh Đồng Nai một số nội dung về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với trạm sạc xe điện như sau:

1. Xác định đối tượng thẩm duyệt thiết kế về PCCC:

Trạm sạc xe điện không phải là đối tượng thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, khi đặt trạm sạc xe điện trong một số loại hình công trình thì việc xác định đối tượng thẩm duyệt thiết kế về PCCC được quy định như sau:

- Đối với trạm sạc xe điện đặt tại gara xe độc lập, gara xe bên trong nhà của các công trình, trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với các đối tượng là các gara xe, công trình, cửa hàng xăng dầu theo quy định tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ;

- Đối với trạm sạc xe điện đặt ngoài trời (trừ trường hợp đặt trong khuôn viên cửa hàng kinh doanh xăng dầu) không quy định phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

2. Quy chuẩn, tiêu chuẩn và các tài liệu, chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng:

Khi lập hồ sơ thiết kế về PCCC đối với trạm sạc xe điện cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thiết kế bảo đảm theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy, các tài liệu kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật được áp dụng để thiết kế công trình gồm: QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; QCVN 13:2018/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gara ô tô; TCVN 3890:2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng; TCVN 5738:2021 PCCC - Hệ thống báo cháy tự động - Yêu cầu kỹ thuật; TCVN 5738:2021 PCCC - Hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt - Yêu cầu thiết kế, lắp đặt… các quy chuẩn, tiêu chuẩn khác liên quan đến loại hình công trình có đặt trạm sạc xe điện (các thiết bị điện, các trụ sạc thuộc trạm sạc và các thiết bị điều khiển, cấp nguồn cho trạm sạc được coi như các thiết bị điện thuộc công trình).

Trường hợp các tài liệu, chỉ dẫn kỹ thuật về trạm sạc của nhà sản xuất có các yêu cầu bổ sung hoặc cao hơn quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam thì thực hiện theo nội dung tại tài liệu, chỉ dẫn kỹ thuật.

3. Quy định thiết kế về PCCC:

a) Đối với trạm sạc xe điện đặt trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu:

- Về khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan:

+ Vị trí đặt các trụ sạc xe điện phải bảo đảm khoảng cách đến các hạng mục công trình xây dựng trong cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Điều 6 QCVN 01:2020/BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu; không đặt tại các vị trí thuộc vùng nguy hiểm cháy, nổ Z0, Z1 theo quy định tại Điều 7 QCVN 01:2020/BCT;

+ Hệ thống thiết bị điện của trạm sạc phải bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Điều 11 QCVN 01:2020/BCT;

- Về trang bị phương tiện PCCC theo yêu cầu chung đối với công trình cửa hàng xăng dầu theo quy định tại TCVN 3890:2009 và Điều 12 QCVN 01:2020/BCT. Trong đó, khu vực trạm sạc xe điện phải bố trí phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu theo yêu cầu như đối với “máy phát điện, trạm biến áp" được quy định tại Bảng 6 Điều 12 QCVN 01:2020/BCT.

b) Đối với trạm sạc xe điện đặt tại gara xe độc lập, gara xe trong nhà của các công trình:

- Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan: Các tủ điện, thiết bị điều khiển và cấp nguồn cho trạm sạc phải được ngăn cháy với khu vực gara và bảo đảm theo quy định tại Điều 2.3.4 QCVN 13:2018/BXD; đồng thời, các thiết bị phải bảo đảm theo các yêu cầu tại QCVN 12:2014/BXD và các tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị điện liên quan;

- Giải pháp chống tụ khói:

+ Trường hợp gara đã có hệ thống hút khói hoặc giải pháp thông gió tự nhiên bảo đảm theo quy định cho phép sử dụng giải pháp hút khói hiện hữu;

+ Trường hợp thiết kế, xây dựng mới công trình có bố trí trạm sạc xe điện hoặc công trình chưa có giải pháp chống tụ khói thì phải có giải pháp hút khói theo quy định tại Điều 2.3.3 QCVN 13:2018/BXD và Phụ lục D QCVN 06:2021/BXD. Quạt hút khói phải bảo đảm giới hạn chịu lửa theo quy định tại Mục D.9 QCVN 06:2021/BXD là 1,5 giờ ở nhiệt độ 600oC;

- Trang bị phương tiện PCCC phải phù hợp với yêu cầu trang bị của nhà và công trình tại TCVN 3890:2009 và yêu cầu đối với gara theo quy định tại QCVN 13:2018/BXD, trong đó cần lưu ý:

+ Trường hợp gara đã có hệ thống chữa cháy tự động bằng nước Sprinkler bảo đảm theo quy định cho phép sử dụng hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler hiện hữu để chữa cháy cho khu vực trạm sạc xe điện. Tuy nhiên, phải bảo đảm yêu cầu trạm sạc xe điện phải được ngắt điện trước khi phun nước chữa cháy theo quy định tại Điều 5.1.6 TCVN 7336:2021; hệ thống chữa cháy tự động cho khu vực trạm sạc xe điện phải được cải tạo thành 01 cụm chữa cháy riêng được khống chế, điều khiển bằng 01 van tràn (deluge valve), van tràn chỉ được kích hoạt khi có tín hiệu của hệ thống báo cháy và tín hiệu xác nhận đã ngắt nguồn điện của trạm sạc xe điện. Việc ngắt nguồn cho trạm sạc xe điện phải được thực hiện bằng tay và tự động từ tín hiệu báo cháy, công tắc ngắt khẩn cấp nguồn điện của trạm sạc xe điện phải bố trí trong phạm vi không quá 15m từ trạm sạc và phải có dán nhãn, chỉ dẫn về cách vận hành, ngắt nguồn điện.

+ Trường hợp thiết kế, xây dựng mới công trình có đặt trạm sạc xe điện hoặc công trình chưa có hệ thống, phương tiện PCCC thì phải trang bị bảo đảm theo quy định tại TCVN 3890:2009. Nếu sử dụng hệ thống chữa cháy tự động bằng nước thì thực hiện bảo đảm theo yêu cầu như đối với trường hợp trên.

Một số lưu ý khi lắp đặt trạm sạc xe điện

1. Việc lắp đặt trạm sạc xe điện phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng như: Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế; Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng; Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường.

2. Điều kiện để lắp đặt thiết bị sạc điện phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể như sau:

- Chỉ bố trí tại khu vực để xe theo thiết kế xây dựng đã được thẩm định và cấp giấy phép xây dựng theo quy định;

- Việc lắp đặt trong công trình hiện hữu phải đảm bảo yêu cầu không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình và yêu cầu về phòng cháy chữa cháy;

- Các thiết bị sạc điện phải được cơ quan chức năng đánh giá và cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn liên quan, đảm bảo yêu cầu ngắt kết nối khi có nguy cơ điện giật, cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản.

3. Về giấy phép xây dựng

Căn cứ quy định khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được sửa đổi tại khoản 30 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 thì Trạm sạc xe điện không thuộc điện được miễn giấy phép xây dựng.

         


Tư Duy

Các tin khác

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

Chịu trách nhiệm chính: Ông HỒ VĂN HÀ - ​Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 38, Đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.846283 - Fax: 02513.847795. Email: sxd@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Xây Dựng tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn "Sở Xây Dựng Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​